Tháng 3/2013, Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang phối hợp Trạm Khuyến nông huyện Chiêm Hóa triển khai mô hình nuôi xen canh cá - lúa tại thôn Làng Tạc, Làng Non (xã Yên Nguyên).
Mô hình có 4 hộ tham gia, quy mô 10.000 m 2 ruộng cấy lúa; mật độ cá giống thả 0,5 con/m 2 ruộng, gồm có 50% là cá chép lai V1 và 50% còn lại ghép các loài cá rô phi, trôi, mè trắng. Người nuôi được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật, con giống, một phần thức ăn, thuốc và một số loại chế phẩm sinh học tăng sức đề kháng phòng bệnh cho cá.
Để mô hình đạt hiệu quả, ngay từ những ngày đầu triển khai, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn các hộ thực hiện theo đúng quy trình chăn thả từ đào chuôm (mương dẫn cá lên ruộng lúa có diện tích bằng 10 - 20% diện tích ruộng cấy lúa, độ sâu 1,2 - 1,5 m); bờ ruộng được tu sửa đắp cao phòng tránh mưa lũ mất cá.
Việc chuẩn bị ruộng cấy lúa cũng được làm ngay từ đầu vụ: Tháo cạn ruộng bắt hết cá tạp; bón vôi khử chua 10 - 12 kg/100 m 2 ; bón lót các loại phân chuồng ủ hoai 40 - 50 kg/100 m 2 giống như chuẩn bị ở vụ cấy lúa trước. Lúa cấy được chọn giống cứng cây. Cá được thả ở chuôm và chỉ cho lên ruộng khi cây lúa đã bám rễ (chặt) và khi ruộng lúa không sử dụng các loại thuốc BVTV.
Nước trong ruộng lúa được điều tiết thay đổi 7 - 10 ngày một lần, mực nước để trong một ngày cao hơn mức bình thường để cá có cơ hội ăn sâu bọ bám trên thân cây lúa. Chú trọng cho cá ăn thêm thức ăn tinh bột bằng 1 - 2% khối lượng cá trong ruộng (những ngày cá nhốt ở chuôm cho ăn nhiều hơn từ 3 - 5%). Sau thời gian 9 tháng nuôi, tại điểm trình diễn mô hình, kết quả cho thấy tỷ lệ cá sống đạt 70%, năng suất đạt 1,5 tấn/ha, bình quân đạt 0,45 kg/con.
Ông Hoàng Văn Thập ở thôn Làng Tạc tham gia mô hình 1.000 m 2 ruộng, sau 9 tháng thu 150 kg cá thịt (năng suất khoảng 1,5 tấn/ha). Với giá cá bán bình quân 25.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 1,3 triệu đồng. Phấn khởi, ông cho biết thêm: Cá nuôi ở ruộng vừa cấy lúa, vừa thả cá có nhiều thức ăn tự nhiên nên chất lượng thịt cá thơm ngon, được tư thương ưa chuộng, thích hơn nữa là lúa thu về ít hạt lép, vỏ lúa lại rất sáng màu.
Ông Lê Văn Quý, PGĐ Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang cho biết: Mô hình nuôi xen canh cá - lúa là phương thức nuôi - trồng cộng sinh hỗ trợ nhau cùng phát triển. Cá ăn sâu, bọ hại, hạn chế mầm bệnh hại lúa; hàng ngày cá kiếm ăn sục bùn, diệt cỏ dại, phân cá thải ra giúp cho cây lúa phát triển tốt, đồng thời khi thu hoạch, thóc rơi vãi và rơm rạ mục là nguồn thức ăn cho cá.
( Hội đồng hương Trường THPT Kim Xuyên)
|
0 nhận xét: