Truyện ngắn: Thằng
mùng một (Viết tiếp về cuộc đời cơ cực của Khanh)
Tác giả: Trần Chí
Nhân - BCH Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang.
Có lẽ trên đời này thích tết nhất vẫn là bọn trẻ vì đây là dịp để
chúng khoe manh quần tấm áo mới, được nghỉ học đi chơi thỏa thích và làm những
việc nghịch ngợm mà nếu ngày thường thì chắc chắn sẽ được alê mấy roi vào đít.
Nhưng với thằng Khanh thì mùng một tết lại là ngày rất đặc biệt – ngày sinh của
nó. Mẹ nó trước đây vốn là công nhân của đội trồng rừng lâm trường ở mãi tít tận
xã Bình Yên của huyện Sơn Dương.
Cả đội gần
trăm người toàn con gái chỉ có mấy anh nam giới. Ở cùng tổ với chị khi đó có
anh Tùng người Thái Bình, anh hiền lành, ít nói, thi thoảng về quê lên anh thường
đem theo vài mớ cá khô, chai nước mắm cho cả đội. Lửa gần rơm, hai người đem
lòng yêu nhau, chưa kịp cưới hỏi thì chị có mang nó bây giờ. Mấy tháng sau thì
lâm trường có quyết định giải thể, anh chị tính nước dắt díu nhau về quê bàn
chuyện cưới hỏi và sinh sống.
Đúng lúc ấy bố anh lặn lội từ Thái Bình lên
thăm con và biết chuyện riêng của anh chị, ông chỉ tuyên bố cộc lốc: Ngày mai
mày về quê ngay có việc. Nói rồi quay ngoắt về không nói thêm một câu. Biết
tính bố, anh bàn với chị sẽ về trước thu xếp việc gia đình, sau rồi sẽ lên đón
chị. Sáng hôm sau, chị dậy sớm nấu một nồi cơm nếp gói cho anh mang theo ăn đường
để về quê. Tiễn anh ra đến cổng chị thấy lo lắng. Anh đi một tuần rồi một tháng
sau vẫn không thấy quay lại. Linh cảm thấy điều gì đó chẳng lành chị ra bưu điện
gửi một bức điện tín về cho anh nhưng vẫn không thấy hồi âm.
Mãi gần
hai tháng sau có người cùng quê lên nói chuyện chị mới chết lặng, anh về quê và
đã lấy vợ là người cùng xóm. Mãi hơn tuần sau anh mới gửi thư cho chị thanh
minh về việc bố anh đã dàn xếp đám cưới từ trước. Vốn sinh ra trong gia đình
gia giáo lại là con trưởng nên anh không còn lựa chọn nào khác. Nhìn cái thai
trong bụng đang lớn dần chị thấy tủi nhục vô cùng.
Ngày ấy
việc không chồng mà chửa thật là chuyện tày trời. Hay việc của chị, bố mẹ chị
thức trắng mấy đêm liền và quyết định: Cho nó ra bệnh viện tẩy bỏ để khỏi mất mặt
với hàng xóm. Phận gái, vốn từ nhỏ luôn nghe lời bố mẹ, chị ngồi sau xe đạp của
mẹ đưa ra bệnh viện.
Ra đến cửa
là chị khóc ròng suốt quãng đường. Đến viện, làm thủ tục xong chuẩn bị lên bàn
sản thì bà chị gái cả hổn hển chạy vào phòng quát chị: Mày điên à? Làm thế là
mày giết người, giết người, nghe chưa... Đi về! Mẹ chị òa khóc nức nở: - Con
ơi! Mẹ mất mặt với hàng xóm lắm... - Mất mặt còn hơn mất cháu mẹ. Nó không
nuôi, bố mẹ không nuôi thì để con nuôi - Chị gái chị phản ứng dữ dội. Nghe vậy,
chị ôm mặt chạy thẳng ra cổng với suy nghĩ muốn đến đâu thì đến, chị nhất định sẽ
giữ lại nó.
Vậy mà thấm
thoắt đã được gần tám tháng, cái thai cứ lớn dần lên trong bụng chị, những ánh
mắt khinh miệt thị phi của hàng xóm cũng bớt dần theo thời gian. Lâm trường giải
thể, chị cùng với mấy anh chị củng đội trồng rừng xin ở lại để làm nương dẫy kiếm
sống. Giận con là vậy nhưng trong lòng vẫn thương con đến đứt ruột, mẹ chị lên ở
cùng và chăm sóc cho chị. Chiều 30 tết, cả xóm về quê gần hết chỉ còn lại mấy
gia đình. Đang dọn dẹp gian nhà để đón giao thừa thì chị thấy trong người khó
chịu. Đã từng sinh nở, mẹ chị biết ngay đó là dấu hiệu chuyển dạ, bà vội vàng
đi vào xóm tìm bà đỡ, Đến hơn một giờ sáng, vừa giao thừa xong thì thằng Khanh
chào đời, thiếu gần một tháng tuổi.
Người ta
bảo trai mùng một gái ngày rằm, số nó sau này sẽ sướng hơn bố mẹ nhưng với thằng
Khanh thì ngay từ khi còn trong bụng mẹ đã vất vả rồi. Sinh thiếu tháng, chị bị
mất sữa toàn phải đi bú trực, sống nơi rừng thiêng nước độc nó hay ốm đau quặt
quẹo. Lúc được 7 tháng tuổi thì chị cho nó về quê ở với ông bà ngoại. Hơn năm
sau thì chị cũng chuyển về ở với bố mẹ.
May mắn
cho chị, mấy anh ở ngoài thị trấn thấy hoàn cảnh của chị nên đã xin cho chị vào
làm việc ở Đội vệ sinh môi trường, tuy đồng lương không cao nhưng cũng đủ để chị
trang trải cuộc sống hàng ngày. Mãi gần hai năm sau, trong một lần đi ăn giỗ
bên nhà bà cô ruột chị tình cờ ngồi ăn cùng mâm với một người đàn ông có khuôn
mặt khắc khổ, qua câu chuyện chị mới biết anh cũng lỡ dở như chị về đường tình
duyên, vợ anh đi xuất khẩu lao động rồi lấy chồng ở hẳn bên đó, để lại cho anh
nuôi đứa con gái duy nhất.
Chẳng biết
thì thọt thế nào mà sau thời gian qua lại, chị lại đem lòng thương anh. Không
muốn lỡ dở một lần nữa, vả lại với chị bây giờ nuôi thằng Khanh khôn lớn là mục
đích duy nhất của đời chị nhưng tình yêu nó như tia sét sẵn sàng đánh chết bất
cứ ai trong tầm ngắm của nó. Nhiều lần anh bảo với chị: Hai đứa về ở với nhau
và cho thằng Khanh về cùng, anh sẽ lo cho nó như con đẻ. Nghe bùi tai, chị tặc
lưỡi gật đầu. Ngày cưới chị, thằng Khanh mới hơn ba tuổi, cả ngày hôm trước chị
bỏ việc, chỉ ôm con khóc ròng.
Hôm sau,
cả buổi sáng nó ngơ ngơ ngác ngác nhìn mọi người ra vào tấp nập, nghe mọi người
bảo mẹ nó đi lấy chồng, nó hỏi chị: - Mẹ ơi, mẹ đi lấy chồng rồi bao giờ về? -
Mẹ đi trước rồi sẽ về đón con – Chị trả lời mà không dám nhìn vào mắt nó. Lúc
đoàn đưa dâu đi qua cổng, nó ôm lấy cây soan ngơ ngác nhìn và hỏi chị: - Sao
không cho con đi cùng mẹ hôm nay hả mẹ? Chị không nghĩ được câu trả lời, chân
bước đi trong vô định. Nó không hiểu chị quyết định lấy anh một phần cũng là vì
nó, mong muốn tìm được chỗ dựa để bù đắp cho nó sau này.
Thật tình
anh cũng là người tốt, thu xếp công việc xong, anh sang nhà xin ông bà cho anh
chị đưa nó về nhà. Bằng đấy năm ở với nhau anh luôn chăm chút nó như con đẻ. Sự
việc chẳng có gì đáng nói nhưng ở với nhau được gần ba năm thì bỗng một hôm bà
vợ cũ của anh lùi lũi xuất hiện, lúc ấy chị mới té ngửa: hai người vẫn chưa ly
dị. Giận vợ cũ, anh nhất quyết đưa đơn ra tòa để ly hôn nhưng bà vợ cũ tai quái
nhất định không chịu ký đơn do anh viết mà làm đủ trò để hành hạ chị. Danh
không chính và ngôn không thuận, cực chẳng đã, anh chị lại ôm con về ở với bố mẹ
đẻ.
Cuối năm ấy, thằng em cậu mới lấy vợ, gia đình
dồn tiền làm cho chị ngôi nhà phía cuối xóm cho hai mẹ con ra đó ở riêng. Thấm
thoắt đã được hơn chục năm, thằng Khanh học giỏi, ngoan ngoãn nên luôn được thầy
cô và bạn bè quý mến, chỉ có điều người nó hay ốm, người cứ gầy đét như con mắm,
suốt ngày nó chỉ quanh quẩn bên chị. Hàng ngày ngoài việc học hành nó thường phụ
giúp mẹ việc nhà. Kể cũng tội cho nó, mới mấy tuổi đầu nhưng mỗi khi chị đau ốm
trái nắng trở trời nó cần mẫn như người mẹ nuôi, biết đun nồi lá xông hoặc rót
cốc nước lấy viên thuốc cho mẹ, buổi tối khi học bài xong nó chui lên giường
rúc vào nách chị ngủ.
Những lúc
ấy chị cảm thấy ấm lòng và thương nó vô cùng. Chị thường gọi yêu nó bằng cái
tên: Thằng mùng một. Năm 14 tuổi, một hôm trời mưa nước dột ướt hết cái hòm đựng
quần áo của mẹ, nó đem ra phơi và tình cờ đọc được lá thư đã vàng ố của bố đẻ gửi
cho mẹ trước ngày bố nó mới lấy vợ mà từ lâu chị vẫn giữ. Thực ra từ khi sinh
ra nó chị rất sợ một điều sau này nó sẽ tìm về với bố nó. Biệt tăm hơn chục năm
không một dòng tin tức, nỗi đau bị bỏ rơi đúng lúc cơ cực nhất không tan đi mà
vón cục lại trong tim chị.
Nhưng
nghĩ đến con, chị vẫn muốn một lúc nào đó sẽ cho nó biết, dù không tròn vẹn như
mọi đứa trẻ khác nhưng nó vẫn có bố. Đưa lá thư cho chị, nó bình thản hỏi: -
Ông ấy có thương yêu mẹ không? - Có, rất thương, nhưng bố con là con cả nên còn
có trách nhiệm với cả một gia đình dòng tộc nên buộc phải như vậy con ạ. Sau
khi xem lá thư, nó dành hẳn một tuần đi lấy củi đủ cho chị đun cả tháng rồi nó
nói với chị: - Mẹ cho con xin tiền vé xe, con về thăm ông ấy. Nghe nó nói vậy
chị tái mặt: - Con... đừng đi, ở nhà với mẹ... - Mẹ! con đi thăm ông ấy để biết
mặt bố thôi, rồi con sẽ về ngay với mẹ. Biết tính nó, sau mấy đêm thức trắng
suy nghĩ chị quyết định sẽ cho nó về tìm bố. Lần theo dòng địa chỉ ghi trên lá
thư, một mình nó đi tìm bố. Sau hơn chục ngày lo đứng lo ngồi thì chị thấy nó về
mặt mũi hốc hác, trên túi áo có mảnh nhựa màu đen. Chị cảm thấy có điều chẳng
lành.
Vào đến
nhà, nó kể với chị: Khi tìm được đến nhà thì bố nó đang ốm nặng, anh bị ung thư
trực tràng giai đoạn cuối. Chẳng biết trời đất run rủi thế nào mà nó được gặp
và chăm sóc cho bố mấy ngày trước khi anh nhắm mắt xuôi tay. Giọng thều thào,
anh xin lỗi con vì không lo được gì cho nó. Trước khi anh nhắm mắt, ước nguyện
cuối cùng của anh là được gặp để biết mặt nó. Trái với suy nghĩ ban đầu, cả gia
đình ai cũng thương và quý mến, coi nó như một thành viên chính thức trong gia
đình.
Thật ra,
chuyện của bố mẹ nó ngày xưa là do ông nội sắp đặt, dù không nói ra nhưng cả
nhà ai cũng biết bố nó có thằng con riêng mãi tít ở vùng núi rừng Việt Bắc. Trời
đất cho nó về gặp mặt và chăm sóc cho bố mấy ngày cuối cùng như vậy quả là niềm
an ủi để anh thanh thản nhắm mắt xuôi tay. Sau khi chịu tang bố xong, nó dành một
ngày để đi từng nhà trong nội tộc để chào các chú dì cô bác. Toản - đứa con
cùng cha khác mẹ với nó và bà mẹ giữ nó ở lại thêm một ngày. Trong bữa cơm tối,
thằng Toản cho biết từ khi biết mình mắc bạo bệnh bố nó đã chủ định sẽ dành cho
nó một miếng trong lô đất hương hỏa ông bà để lại cùng với mấy sào ruộng vì anh
biết chắc chắn sau này nó sẽ tìm về với anh. Bà mẹ thằng Toản cũng ngỏ ý gia
đình muốn nó và mẹ sẽ về ở cùng.
Nó không
nhận mà cũng không từ chối mà bảo phải về xin ý kiến mẹ bởi dù sao nó vẫn là đứa
trẻ và quyền quyết định vẫn là mẹ nó. Hơn mười năm qua, giận hờn và căm thù tưởng
chưa bao giờ nguôi, giờ đan xen với nỗi thương xót bởi từ đáy lòng chị vẫn còn
một chút vương vấn tình cảm với anh mà thằng Khanh là mối dây cuối cùng nối buộc
giữa anh với chị. Nghe tin anh ra đi đường đột mà vẫn còn dành tình cảm cho đứa
con rơi vãi như vậy khiến chị thấy trong lòng như dậy sóng. Bầu trời tưởng là rộng
lớn bao la nhưng hóa ra ở trong nó cũng vẫn có những ngã ba, ngã tư vô hình, nó
buộc con người với nhau rồi lại xé lẻ ra mà người đời vẫn quen gọi là ngang
trái và cuối cùng thì lý giải bằng hai chữ Số Phận.
Nghe thằng
Khanh kể, chị nói dứt khoát mẹ con không đi đâu cả mà ở vậy nuôi nhau vì với chị
đã trải qua quá nhiều những khúc trầm luân của cuộc sống, lúc này nuôi thằng
Khanh khôn lớn bằng chúng bằng bạn là mục đích duy nhất, là lẽ sống của chị,
ngoài ra chị không cần điều gì khác. Cuối năm đó, sau buổi đi làm về chị thấy
hoa mắt chóng mặt, cố lần về đến nhà thì trời đất như đổ sụp, chị ngã quỵ ngay
gần cửa, mấy bà hàng xóm nhìn thấy liền gọi cậu nó về đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Sau một loạt các xét nghiệm, các bác sỹ thông báo cho gia đình biết chị bị đột
quỵ độ 3. Cả gia đình dồn tiền chữa chạy cho mẹ nó.
Thuốc chữa
bệnh đột quỵ cực kỳ đắt, một hộp Super Citicoline có giá cả triệu bạc mà chỉ
dùng được vài ngày, để có tiền thuốc chữa trị, cậu nó và ông bà ngoại đành phải
bán mảnh đất và căn nhà mà mẹ con nó ở, còn nó lại về ở với cậu. Hàng ngày nhìn
mẹ nhỏ thó nằm thoi thóp trên chiếc giường kê ở góc nhà, bệnh tình ngày càng nặng
nó cảm thấy như đứt từng khúc ruột. Cố học xong năm học, nó bỏ về làm than tổ
ong với bác Dũng cùng xóm để lấy tiền mua thuốc cho mẹ. Lúc đầu cậu mợ nó không
cho vì tiếc cho nó học hành giỏi giang nhưng nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại nên
đành phải chấp nhận.
Cùng năm
đó, ở xã Hào Phú cách nhà nó một đoạn người ta phát hiện có mỏ đất cao lanh, thấy
doanh nghiệp trúng thầu khai thác tuyển chọn công nhân nó đi đăng ký nhưng
không trúng vì chưa đủ tuổi lao động thế là nó về xin cậu mua cho nó một chiếc
máy khoan đá cầm tay chạy điện, những chố xương xẩu nổ mìn đá vỡ không hết
không ai dám đến là nó xung phong lên làm. Kể cũng nguy hiểm thật nhưng bù lại
họ trả thù lao tương đối cao. Số tiền làm ra được nó đưa cho Cậu và giữ lại một
phần cất vào chiếc hòm gỗ đựng quần áo của mẹ con nó. Một buổi chiều tháng
giêng trời mưa rả rích, giải lao uống xong cốc nước nó trèo xuống vách đá để đục
nốt cái hố bắn mìn, nó định bụng hôm nay nghỉ sớm để ra viện lấy thuốc cho mẹ.
Vừa bấm
cái công tắc thì đường dây điện bị chập tóe lửa xanh lè khiến chiếc khoan đổ đè
ngang người nó. Thấy nó quằn quại dưới hố, mọi người hô thất thanh chạy vào cắt
cái cầu dao điện, hai ba người trèo được xuống rồi dùng dây thừng buộc ngang ngực
đưa nó lên bờ. Nghe tin dữ, cậu mợ nó chạy đến định đưa ra viện nhưng không kịp,
nó đã tắt thở từ trước đó vài phút. Nỗi đau chồng chất, tiền bạc cạn kiệt vì lo
thuốc thang cho chị gái, cậu mợ nó ngất lên ngất xuống, nhìn cảnh ấy cả xóm
không ai cầm được nước mắt. Sợ con gái đang trọng bệnh sẽ không đủ sức vượt qua
được nỗi đau, ông ngoại nó cho người về gấp gáp đưa chị ra nằm tạm ngoài viện
và cấm tiệt mọi người không được nói gì với mẹ nó để lấy chỗ lo tang lễ.
Tối đó trời
mưa như trút, cả làng đến khóc thương cho nó, gian rạp dựng tạm không đủ chỗ
che mọi người đứng cả ra ngoài. Hôm sau, trước khi chuyển cữu, mọi người chọn hết
những bộ quần áo của nó để đem theo ra huyệt mộ thì thấy trong hòm quần áo có
chiếc túi giấy bóng được bọc gói cẩn thận, bên trong có cuốn sổ ghi danh sách
những người đã đến dự kèm theo số tiền mừng khi mẹ nó lấy chồng mấy năm trước,
hầu hết trong số đó đã được gạch bỏ, chắc là mẹ nó đã trả nợ xong và một cuốn sổ
khác có ghi số lượng, giá cả một số mặt hàng mà có lẽ không ai ngờ tới: Chiếc
áo quan, vải trắng, rồi gà, lợn, gạo... Cùng ở trong chiếc túi là hơn mười triệu
tiền nó dành dụm được từ khi bỏ học đi làm.
Lần giờ mấy
trang giấy, cậu nó rũ xuống rên rỉ: - Nó chuẩn bị hậu sự cho mẹ nó, giời ơi là
giời... cháu ơi, Khanh ơi!!! Trước lúc an táng, trong khi đợi mọi người tát cạn
nước mưa trong huyệt để chuẩn bị hạ cữu, ông trưởng thôn đồng thời là trưởng
ban tang lễ nói lời cuối với nó trong tiếng nấc nghẹn: ... Cả đời cháu khổ sở rồi,
về với suối vàng, về với bố chắc chắn cháu sẽ được siêu thoát... cháu ơi!!! Lời
cuối: Mình là người hay đùa, ai cũng nhận xét như vậy. Nhưng thường đùa với những
chuyện tầm bậy đời thường, còn với những chuyện về sinh mạng, về nỗi cơ cực của
con người thì chưa và không bao giờ. Đây là chuyện có thật và lấy chính tên của
nó là KHANH, mình chỉ sắp xếp lại cho logic thôi. Mình luôn tâm niệm có ngày sẽ
viết tiếp về thằng Khanh, về cuộc đời cơ cực của nó. Viết vội trong hơn một buổi
sáng không kịp chỉnh sửa hay đọc lại, có lẽ truyện không hay – kể cả văn từ và
cấu trúc - nhưng vẫn kịp trước giờ mà mười mấy năm trước nó được mẹ sinh ra tức
mấy tiếng nữa sau giao thừa, để thay nén hương thắp cho nó vì khi còn sống nó rất
quý mến bởi mình sinh cùng ngày mùng một tết với nó. Hơn nữa, mình mong rằng mọi
người hãy biết chia sẻ, biết cảm thông với những mảnh đời bất hạnh khi còn có
thể.
0 nhận xét: