Chợ Kim Xuyên: Đầu mối giao thương các xã vùng hạ huyện

Chợ Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) mỗi tháng họp 6 phiên vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 (âm lịch). Đây là chợ trung tâm của các xã vùng hạ huyện như Đông Thọ, Sầm Dương, Hào Phú, Tam Đa, Lâm Xuyên... Chợ có nhiều hàng hóa phong phú, từ sản phẩm nông sản như gạo, hoa quả... đến mặt hàng phục vụ đời sống sinh hoạt thiết yếu và sản xuất của người dân như: Dao, búa, quang gánh, sảo...

Ông Phạm Văn Bình, Phó Ban quản lý chợ cho biết, qua nhiều lần chuyển địa điểm và được đầu tư nâng cấp, hiện nay chợ nằm trên địa phận thôn Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương), với diện tích mặt bằng trên 3.000 m2. Chợ có gần 120 gian hàng có mái che bằng tôn, phiprôximăng và lá cọ, phân thành các khu bán quần áo, thực phẩm, hàng khô, tạp hóa, vàng mã… Trước kia, chợ chỉ có vài lán nứa tạm làm nơi trao đổi mặt hàng nông sản của nông dân trong và ngoài xã. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, đời sống kinh tế của nhân dân được nâng lên, điều kiện sinh hoạt, nhu cầu trao đổi, buôn bán hàng hóa của bà con càng lớn, chợ cũng được mở rộng và hàng hóa cũng theo đó ngày càng phong phú. Mỗi phiên chợ có hàng nghìn tiểu thương khắp các nơi đổ về mua bán. Bà Nguyễn Thị Mùi (74 tuổi), thôn Kim Xuyên (Hồng Lạc - Sơn Dương) chia sẻ: “Tôi đi chợ Kim Xuyên đã quá nửa đời người nhưng chưa khi nào tôi được chứng kiến cảnh nhộn nhịp người mua, bán như hiện nay. Tuy có nhiều gian hàng nhưng các loại hàng hóa được bày bán phân thành các khu riêng, rất quy củ nên người mua dễ dàng chọn mua sản phẩm mình cần. Chị Bùi Thị Mãn, một tiểu thương xã Hào Phú (Sơn Dương) bán tạp hóa tổng hợp cho biết, trung bình mỗi phiên chợ chị thu được khoảng 2 triệu đồng tiền hàng. Nhiều hộ đã vươn lên khá giả từ việc buôn bán ở chợ như hộ chị Cao Xuân Tự (bán thịt lợn), Nguyễn Văn Nhật (bán quần áo)…

Chợ Kim Xuyên nằm sát ngay bến đò xã Hồng Lạc, được coi là cửa ngõ giao thương của một số xã vùng hạ huyện Sơn Dương với các xã bên kia sông của hai tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ nên việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy khá thuận lợi. Tuy gọi là chợ xã nhưng thực chất chợ Kim Xuyên lâu nay đã phục vụ nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa của nhân dân khắp các xã dọc ven hai bờ sông Lô của tỉnh Tuyên Quang và hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Chị Nguyễn Thị Oanh, một tiểu thương xã Lệ Mỹ, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) chuyên bán các loại rau ở chợ Kim Xuyên cho biết: “Trước đây, mình chỉ  đi bán tại các chợ trong phiên dọc theo đường quốc lộ. Hai năm nay, ngày chợ Kim Xuyên nào mình cũng dậy từ lúc 5h sáng để kịp giờ sang đò vào chợ bán hàng. So với các chợ phiên khác tôi từng đi thì chợ Kim Xuyên có quy mô lớn hơn, bán đắt hàng hơn”. Không riêng gì chị Oanh, còn rất nhiều các tiểu thương của tỉnh bạn như ở Vĩnh Phúc có chị Lê Thị Nguyên (bán quần áo), chị Nguyễn Lâm Giang (bán hoa quả)… ở Phú Thọ có bà Ngô Thị Thọ (bán sản phẩm mây tre đan), bà Nguyễn Thị  Hồng Trang (bán bánh)… cũng đổ về chợ Kim Xuyên mưu sinh.

Tới đây, khi cầu Kim Xuyên xây dựng xong sẽ giúp cho việc đi lại của nhân dân bằng đường bộ thuận tiện. Chắc chắn chợ Kim Xuyên càng phát huy tốt hơn nữa vai trò là chợ đầu mối giao thương hàng hóa của các xã vùng hạ huyện Sơn Dương với các tiểu thương trong và ngoài tỉnh.
Nguồn TQ ĐT