Mong ước vượt sông

TQĐT - Cầu Kim Xuyên là công trình cầu cấp 1, xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép với chiều rộng 11 m, chiều dài 638 m, gồm 10 nhịp. Cầu hoàn thành kết nối các tuyến QL37, QL2C, QL2 và hệ thống giao thông địa phương tạo nên mạng lưới liên hoàn nối huyện Sơn Dương với huyện Đoan Hùng (Phú Thọ).
Tiếng gọi đò lạc giọng nơi bến sông

Kể từ khi cầu Kim Xuyên được thông cầu kỹ thuật (ngày 8-5) và sẽ  chính thức được khánh thành, đưa vào sử dụng ngày 16-5 tới đây. Bà con khắp vùng Sơn Dương từ Đông Thọ, Văn Phú, Sầm Dương, Hồng Lạc nô nức đến thăm, tận mắt ngắm toàn cảnh cây cầu hằng mong ước bấy lâu. Trong dòng người đó, có cả những ông cụ, bà cụ tay chống gậy dò dẫm từng bước lên cầu. Lâu lắm rồi bà con nơi đây mới có được dịp vui thế này. Mong ước bao đời nay về một cây cầu bắc qua sông để đi lại thuận tiện, giờ đã thành hiện thực.

Cây cầu Kim Xuyên nối huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) với
huyện Đoan Hùng (Phú Thọ).

Kể từ cầu An Hòa cho xuống tới tận cầu Việt Trì, dải sông Lô từ 2 điểm cầu này dài tới hơn 80 km không có một cây cầu nào khác. Cách trở bởi con sông Lô tạo lên sự đối nghịch về phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 bờ, cũng vì thế trở nên rõ nét. Một bên có Quốc lộ 2 chạy dọc là những đô thị, khu dân cư sầm uất, còn một bên là những làng quê heo hút, Quốc lộ 2C nằm sâu, chạy dọc theo những triền đồi, triền núi không đủ “năng động” để hình thành nên những vùng kinh tế phát triển. Dải sông này đã hình thành nên những bến phà lớn như Đức Bác, Phà Then, Phan Lương, Kim Xuyên và những bến đò nhỏ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nhưng nó vẫn là một sự cách trở quá lớn.

Bao đời nay, người dân vùng hạ huyện Sơn Dương đã quá quen thuộc với cái bến đò Kim Xuyên, nơi có 2 cây đa đầu bến, đó là hình ảnh mà bất cứ người dân nơi đây dù đi xa vẫn nhớ bởi nó rất đẹp, rất nên thơ gợi nhớ về quê hương đậm nét nhất trong ký ức mỗi người. Ấy thế nhưng cũng tại bến đò này nó lại là rào cản phát triển kinh tế - xã hội, mang bao nhiêu điều phiền toái mà mỗi người dân nơi đây đều từng “thấm”. Chuyện nhỡ đò ở bến Kim Xuyên không thể kể hết, vì đò không chở đêm nên ai có công việc gì không “căn” đúng giờ thì chỉ có cách ngủ lại chờ đến sáng.

Cũng ở bến đò này, ông Vũ Hồng Phong, thôn Kim Xuyên không thể quên cái đợt về phép cách đây hơn 30 năm. Ngày đó ông, vừa mới cưới vợ xong rồi lên đường nhập ngũ. Được đơn vị cho phép tranh thủ về nhà với vợ có đúng một ngày, một đêm. Từ Thậm Thình (Phú Thọ) về bị lỡ chuyến xe mà mãi sẩm tối ông mới về tới bến đò Kim Xuyên. Bến đò vắng tanh, ông Phong gọi khản tiếng mà chả có đò nào ra đón, nhìn thấy nhà bên kia sông mà không thể sang, đành ấm ức ngủ nhờ nhà dân gần đó cho qua đêm trong nỗi nhớ vợ. Chỉ mới đây thôi, chị Hoàng Thị Bản ở thôn Cây Vạng có con nhỏ đang trong giai đoạn bú sữa mà có việc phải đi làm bên kia sông. Đến lúc về thì nhỡ chuyến đò cuối cùng. Đứng bên này sông chị gọi đò lạc cả giọng, khóc suốt đêm vì thương con nhưng không có cách nào có thể qua sông để về với đứa con nhỏ đang đói sữa.

Những xã vùng hạ huyện như Hồng Lạc, Sầm Dương... nếu không có cây cầu thì chỉ là ngõ cụt, đi đâu cũng khó, làm gì cũng khó. Chỉ cách nhau có con sông nhưng bên kia cái thuận lợi hơn. Bà con ở đây phát triển chăn nuôi rất tốt nhà nào cũng hàng chục con lợn, có nhà hàng trăm con nhưng bên kia sông bao giờ giá cũng cao hơn 4-5 giá, tính ra thiệt mất 400.000 - 500.000 đồng/con lợn; không những thế, giá thức ăn lại bị chịu cao hơn.   

Những nỗ lực thành niềm vui

Kể từ ngày cây cầu Kim Xuyên được đầu tư xây dựng, tin vui ấy đối với bà con cả vùng hạ huyện Sơn Dương mừng vô kể, ấy thế nhưng sau môt thời gian thi công cây cầu bị ngừng đầu tư do chủ trương nhà nước cắt giảm đầu tư một số công trình mà cây cầu Kim Xuyên nằm trong số đó. Nỗi mong mỏi như dài thêm. Thế nhưng, qua một số kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ta đã có đề xuất Quốc hội ưu tiên đầu tư nốt công trình cầu Kim Xuyên đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân và rất mừng là cây cầu được nằm trong số ít công trình trên cả nước được Quốc hội phê chuẩn ưu tiên cấp vốn tiếp tục hoàn thiện.

Công nhân Công ty Cầu 14 đang hoàn tất việc
chỉnh trang cây cầu Kim Xuyên.
Có 111 hộ dân ở 2 điểm đầu cầu, nằm trong diện giải phóng mặt bằng dành đất cho hành lang chân cầu, trong đó có 22 hộ phải di dời đến nơi ở mới. Để đảm bảo tiến độ, chính quyền 2 xã Vụ Quang (Đoan Hùng - Phú Thọ) và Hồng Lạc (Sơn Dương) đã tích cực huy động nhân dân đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo ổn định đời sống của các hộ tái định cư và được bà con hết lòng ủng hộ nhường đất để xây cầu. Gia đình ông Lê Thanh Hồng, thôn Kim Xuyên nằm ngay ngã ba chân cầu phải di rời toàn bộ ngôi nhà và mảnh đất cha ông để lại. Nhiều người bảo số tiền đền bù tính ra không tương xứng trị giá mà ngôi nhà và mảnh đất gia đình ông Hồng đang ở nhưng ông sẵn sàng đi đầu trong việc di rời tạo mặt bằng cho đơn vị thi công. Còn ông Hồng bảo, cái lợi lớn nhất là bà con mình có được cây cầu đi lại thuận tiện còn cá nhân ông có hy sinh chút vật chất không thể so được với những cái lợi sau này của chính bản thân gia đình ông và bà con nơi đây.

Đội ngũ cán bộ, công nhân của 3 nhà thầu (Công ty cổ phần Cầu 14 Cienco 1, Công ty cổ phần Cầu 5 - Thăng Long và Công ty cổ phần Cầu 11 - Thăng Long) đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, không quản thời tiết nắng mưa đảm bảo tiến độ xây cầu. Khi chúng tôi có mặt tại cầu Kim Xuyên trong một ngày nắng nóng cao điểm đầu hè, mọi công việc ở đây đang từng bước được hoàn tất. Những công nhân của các đơn vị thi công đang làm nốt thảm đường 2 đầu cầu, nhóm khác đang tiến hành chỉnh trang khu vực thân cầu, mọi công việc đều đảm bảo để đến ngày 16-5 khánh thành cầu.

Suốt từ hôm cầu Kim Xuyên được thông cầu kỹ thuật, tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị Hoàng Thị Bản cùng mấy chị em khác lại lên “ngắm” cây cầu một chút rồi về. Chị bảo, “Vui lắm! Thế là từ nay mình không còn phải hàng ngày phải chờ đò đi làm nữa rồi, có cây cầu mỗi tháng mình tiết kiệm được ngót 500.000 đồng đấy”. Còn cụ bà Trần Thị Mão, năm nay đã 80 tuổi, biết cây cầu sắp hoàn thành, bà vui lắm. Để thể hiện niềm vui bà làm hẳn một bài thơ dài nói về khát vọng, niềm tự hào, niềm vui của chính bà cùng những người dân nơi đây về cây cầu sắp hoàn thành, nếu được Ban tổ chức Lễ khánh thành cầu cho phép, bà sẽ đọc bài thơ này. Bà bảo, tới đây cây cầu làm xong bà sẽ đi sang xã Hùng Long (Đoan Hùng) chơi, bà có người em kết nghĩa bên đó nhưng vì tuổi già, lại cách trở đò ngang, bao nhiêu năm nay không đến thăm nhau được.

Cũng từ hôm đó đến nay, đi đâu, đến đâu người dân Hồng Lạc cứ nhắc đến cây cầu là y như rằng bao nhiêu câu chuyện về cái bến đò cũ, là những dự định trong tương lai phát triển. Không chỉ là người dân bên này sông mà bên kia sông, cả vùng nguyên liệu mía đường của Nhà máy đường Sơn Dương với diện tích hàng nghìn ha vùng nguyên liệu ở các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Lâm Thao, TX Phú Thọ, Đoan Hùng, Phù Ninh của tỉnh Phú Thọ sẽ không còn phải vận chuyển mía về nhà máy qua phà, giá cước sẽ giảm đi. Bệnh viện Kim Xuyên sẽ đón thêm những bệnh nhân của những xã lân cận ngay bên kia sông... bao nhiêu cái thuận lợi giữa 2 bờ mà không thể kể hết.

Xin mượn mấy câu thơ của cụ bà Trần Thị Mão để nói lên niềm vui, sự khát khao của người dân nơi đây làm đoạn kết cho bài viết:

Nhịp cầu sừng sững vắt ngang
Lòng dân, ý Đảng hô vang rợp trời
Nhịp cầu là của bao người
Đảng trao, Đảng tặng suốt đời thỏa mong
Kim Xuyên đất mẹ quê cha
Có cây cầu mới thật là vinh quang
Nhắc nhau chuẩn bị sẵn sàng
Khánh thành cầu mới hô vang rợp trời.
Ghi chép: Thanh Phúc
Nguồn: http://www.baotuyenquang.com.vn/