Các đền, chùa nổi tiếng Tuyên Quang

Ngày xuân đi lễ đền vãn cảnh, thắp hương tưởng nhớ các vị thần có công với dân, với nước, cũng là dịp để ta hiểu biết thêm các di sản văn hóa và để tâm hồn ta thêm thư thái…

Chùa An Vinh có tên chữ là "An Vinh Thiền Tự" thuộc tổ 7, xã Hưng Thành, thị xã Tuyên Quang. Theo tấm bia: "Tạo tác hưng công bi ký" (Bia ghi việc công đức xây dựng chùa) được tạc vào năm Vĩnh Thịnh thứ 16, triều vua Lê Dụ Tông (năm 1720) thì chùa An Vinh được khởi dựng vào đầu thế kỷ XVIII.
Hiện nay, chùa An Vinh còn lưu giữ được khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị quý hiếm, tiêu biểu là 12 pho tượng gỗ ở thượng điện gồm: Bộ Tam thế, bộ Bồ Tát, bộ Ngọc Hoàng và bộ Cửu Long.
Hằng năm, chùa An Vinh tổ chức lễ hội vào các dịp: Từ ngày 1 đến ngày 4 tháng giêng (âm lịch) tổ chức lễ khai bút; Ngày 15 tháng 1 (âm lịch) tổ chức lễ Thiên quan tích phúc (lễ Thượng Nguyên) cầu cho quốc thái dân an; Ngày 15 tháng 4 (âm lịch) là ngày lễ Phật đản - ngày Phật Thích ca ra đời; Ngày 15 tháng 7 là lễ Địa quan xá tội (còn gọi là lễ Xá tội vong nhân). Ngoài ra, tại chùa còn tổ chức hai ngày giỗ hai vị sư­ đã từng trụ trì tại chùa vào ngày 5-1 và ngày 14-1 (âm lịch) hằng năm.

Chùa An Vinh - địa chỉ du lịch tâm linh của du khách
Chùa Trùng Quang nằm trên địa phận tổ 2, phường Minh Xuân (thành phố Tuyên Quang). Chùa có khuôn viên rộng gần 1.000m2, toạ lạc trên một khu đất cao, rộng và thoáng, thế đất lành theo thuyết phong thuỷ “tiền minh đường, hữu hậu chẩm”.
Chùa Trùng Quang hiện bảo lưu nhiều nét sinh hoạt văn hoá truyền thống dân gian, lưu giữ nhiều di vật, hiện vật giúp cho các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử, văn hoá, phong cách kiến trúc, nghệ thuật. Hiện nay trong chùa còn giữ được 4 pho tượng cổ, và 2 quả chuông đồng to. Trong khuôn viên chùa vẫn còn một cây nhãn có tuổi đời gần 100 năm tuổi.
Chùa quay mặt ra phía sông Lô, lại nằm ở thế đất thanh tịnh, đối với người dân lên chùa lễ Phật là đến cõi tâm linh, mà ở đó là điểm hội tâm gắn kết cộng đồng, giúp cho người ta gác lại mọi lo toan nhọc nhằn của cuộc sống thường ngày, tận hưởng những giây phút thanh nhàn, qua đó hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Vì thế chùa Trùng Quang còn là một điểm tham quan hấp dẫn du khách ở thành phố Tuyên Quang.
Hằng năm đền có các ngày lễ: Mùng 10 tháng Giêng là lễ Thượng nguyên, giải hạn; mùng 2 tháng 5, ngày Bà chúa bản đền mở tiệc; ngày mùng 10 tháng 4 lễ vào hè, cầu mát; ngày 16 tháng 2 và tháng 7 lễ hoàn cung, có rước tượng Mẫu. 
 Chùa Trùng Quang - Một di tích kiến trúc nghệ thuật
Đền Thượng, xã Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang), thờ Mẫu thần, được xây dựng năm 1801. Tương truyền đời trước có hai công chúa là Ngọc Lân (tức Mai Hoa công chúa) và Phương Dung công chúa (tức Quỳnh Hoa công chúa) theo xa giá đi xem xét địa phương đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Ngày lễ lớn của đền là ngày 12-2 âm lịch hàng năm, rước mẫu từ đền Thượng về đền Hạ, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Cảnh quan của đền thật là huyền ảo, hữu tình. Trước mặt đền là dòng sông Lô chảy hiền hòa, phía sau là những dãy núi trùng điệp. Đến đền Thượng, du khách vừa đi lễ, vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của phong cảnh nơi đây.

Đền Hạ,
 phường Tân Quang (thành phố Tuyên Quang) được xây dựng vào năm 1738, thờ Mẫu thần. Đền có mái đao cong duyên dáng với những biểu tượng rồng phượng đắp nổi trên lớp mái ngói vẩy. Các ngày lễ lớn được diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch. Khu đền nằm bên bờ sông Lô, nơi có khúc sông uốn lượn hình rồng. Di tích mang đậm nghệ thuật kiến trúc tôn giáo. Hiện nay, trong đền còn có nhiều pho tượng cổ có giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử cùng nhiều bức tranh chạm khắc có giá trị nghệ thuật cao. Đền Hạ được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia năm 1992.

Đền Cảnh Xanh
, phường Minh Xuân (thành phố Tuyên Quang) được xây dựng năm 1935-1936. Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Ngoài ra, đền còn thờ Đức Thánh Mẫu Thượng ngàn. Bà là vị chúa cai quản vùng núi. Ngày lễ lớn của đền là ngày lễ Thượng nguyên 11-12 tháng Giêng âm lịch, thu hút rất đông khách thập phương. Phong cảnh của đền kỳ thú và trang nghiêm, có cây cổ thụ hàng nghìn năm uy nghi, tuyệt mỹ.


Đền Kiếp Bạc
, phường Tân Quang (thành phố Tuyên Quang), nằm bên bờ sông Lô ở thế địa linh, đầu tựa sơn, chân đạp thủy, phong cảnh hữu tình, tạo cho đền vẻ thanh tao. Đền được xây dựng cuối thế kỷ 19, thờ phụng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm Nguyên Mông. Đền được xây dựng theo thuyết phong thủy “Tiền minh đường, hữu hậu chẩm”, lấy dòng Lô uốn khúc làm tiền minh đường là nơi tụ thủy, tụ phúc, những mong làm ăn phát đạt, dân khang, vật thịnh; lại lấy ngọn La Sơn làm hậu chẩm tạo thế vững chắc. Hiện đền còn lưu giữ được một số di vật có giá trị như 2 quả chuông đồng, 13 pho tượng thờ, 4 đạo sắc phong của các triều vua, 2 bức hoành phi, 2 đôi chân đèn, đôi câu đối và bộ bát bửu. Năm 2007, đền Kiếp Bạc được tiến hành trùng tu, tôn tạo, trở thành công trình văn hóa tiêu biểu, là nơi thu hút khách thập phương đến tham quan.

Đền Đồng Xuân
, phường Minh Xuân (thành phố Tuyên Quang), được xây dựng cuối thế kỷ 19, thờ Đức Thánh Mẫu Thượng Thiên. Đền lấy núi Cố làm hậu chẩm. Đền ở thế đất cao, cây cối tốt tươi. Đền có kiến trúc hình chữ “Đinh” gồm tòa Tiền đường và Thượng điện, phía ngoài là cổng tam quan. Tòa Tiền đường của đền là công trình kiến trúc ba gian, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, trên bờ nóc đắp nổi hình đôi rồng chầu mặt trời. Kiến trúc của tòa Tiền đường khá đơn giản. Tòa Thượng điện là nơi đặt ban thờ Thánh Mẫu Thượng Thiên cùng bộ Tam tòa Thánh Mẫu của đạo thờ Mẫu Việt Nam. Đền Đồng Xuân được UBND tỉnh xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2007.

Đền Ỷ La, phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang) được xây dựng năm 1747, theo kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thờ Mẫu. Sau nhiều lần trùng tu, đền hiện còn lưu giữ khá nhiều di vật, cổ vật quý hiếm có niên đại từ giữa thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trong hậu cung có bộ tượng Mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải Phủ, Mẫu Sơn Trang); trung cung có bộ Ngọc Hoàng (tượng Ngọc Hoàng, tượng Nam Tào, tượng Bắc Đẩu, Long Vương); bộ Quan Hoàng (quan Hoàng Ba, quan Hoàng Bảy, quan Hoàng Mười; hệ thống khán thờ, câu đối, sắc phong, chuông đồng… Đền Ỷ La là một di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật có giá trị và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Hiện nay, đền Ỷ La đã trở thành một trong những điểm du lịch của thị xã để du khách thập phương đến thăm viếng, lễ đền tỏ lòng thành kính.
Lễ hội rước Mẫu đền Ỷ La

Đền Pác Tạ
, xã Vĩnh Yên, thị trấn Nà Hang. Đền được xây dựng vào thế kỷ 14, đền nằm dưới chân núi Pác Tạ, cửa đền quay ra hướng nam trông ra dòng sông Gâm tạo nên cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Đền thờ phụng vị hôn thê của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ hai - năm 1285. Người dân đến với Pác Tạ linh từ để bày tỏ lòng thành kính, cầu mong cuộc sống bình yên, dân khang, vật thịnh. Núi Pác Tạ, đền Pác Tạ là điểm du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn.

Đền Bắc Mục
, xã Nhân Mục (Hàm Yên) được xây dựng năm 1738 thờ phụng vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Đây cũng là nơi thờ Thánh Mẫu theo truyền thuyết từ thời đại Hùng Vương. Đền được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đền Bắc Mục không chỉ là dấu tích văn hóa lịch sử lâu đời mà còn phản ánh tinh thần đoàn kết dân tộc, chống giặc ngoại xâm, tôn thờ những người có công với nước.

Đền Thác Cái, xã Yên Phú (Hàm Yên) được xây dựng từ thế kỷ 19. Lúc đầu là một miếu nhỏ nằm sát bờ sông Lô. Năm 1905, được trùng tu, xây dựng lại. Đền có bia đề “Đại than thủy khẩu cảm ứng long mẫu Quỳnh Nương thần vị”. Do nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, đền còn được thờ thêm Bà chúa Thượng ngàn. Đền có địa thế đẹp, mặt tiền nhìn xuống dòng Lô, lưng tựa vào núi Đền hùng vĩ có nhiều cây cao cổ thụ, không khí trong lành mát mẻ, tĩnh mịch, tạo cho du khách đến tham quan, vãn cảnh nghỉ ngơi, tu nhân tích đức.

Nguồn: http://suoikhoangmylam.tuyenquang.gov.vn/
Trường Thpt Kim Xuyên