Mẹ ! Con nhìn thấy rồi, chiều hôm ấy con nhìn thấy mẹ khóc khi đang ngồi đun nước.
Con cũng không biết mình đã đủ chín chắn để đọc được nỗi khổ của mẹ chưa? Con đã 18 tuổi cái tuổi mà ngày xưa "tốt số" thì cũng đã có mấy đứa con rồi. Nhưng mẹ ơi, con còn thơ dại lắm, vì con vẫn còn cãi nhau với em, mặc lời mẹ nói: " đừng cãi nhau với em, con". Nhà mình nghèo, bố thì suốt ngày rượu chè, mẹ phải một mình gánh vác truyện gia đình, hết việc ngoài đồng lại việc ở nhà. Mẹ còn phải đi phụ xây, đi vác đất thuê...vất vả nuôi ba anh em con. Đến năm con lên lớp 6 mẹ phải đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Mẹ còn nghĩ: nếu không làm ăn được mà bị đuổi về nước thì trên máy bay, mẹ sẽ nhảy xuống biển mà chết vì có trở về thì cũng không trả được nợ. May mắn sao ông trời có mắt mẹ nhỉ! mình sống tốt mà! Mẹ đi 4 năm, lúc ấy con đã ra lớp 10 rồi. Mẹ biết không, bọn con nhớ mẹ nhiều lắm. Cái Thuý nó bé tí, mới học lớp 2, nó nhớ mẹ mà nó khóc, nó bảo: " Chị Thanh, anh Hùng ơi, cún nhớ mẹ lắm", hai anh,em không chịu nổi cũng khóc nốt. Anh Hùng lắm lúc lại tỏ ra vẻ cứng rắn lắm, anh bảo: " Nhớ cái gì mà nhớ, chúng mày đúng là đồ trẻ con, vẫn còn khóc nhè". Nhưng con biết, anh con cũng nhớ mẹ lắm. Mẹ đi làm thuê về, có ít tiền làm vốn, nhưng suốt ngày mẹ bị bố quấy rầy, đòi tiền đi uống rượu. Bố cứ rượu vào lại đánh mẹ. Con biết mẹ phải chịu nhiều trận đòn dã man, mẹ không bỏ bố chỉ vì mẹ sợ chúng con sẽ phải xấu hổ với bạn bè. Nhưng cũng có lúc mẹ hỏi: "nếu mẹ và bố bỏ nhau thì các con nghĩ thế nào? " . Mẹ ơi! con làm sao nói được khi bố mẹ đều là những người đã sinh ra chúng con. Nếu bố mẹ không chia tay thì chắc mẹ cũng chỉ còn da bọc xương, rồi mẹ cũng dần bị kiệt quệ, đău đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Cuối cùng, mẹ và bố cũng chia tay nhau, đó là sự giải thoát tốt nhất cho cả hai người. Chúng con buồn lắm bố mẹ có biết không! Đêm nào con cũng khóc. Đến lớp con không còn tâm trí nào để học mẹ ạ. Hôm tết con nhìn thấy chị Hường được bố mẹ chị ấy mừng tuổi, con lại thèm khát cái gia đình như thế biết bao. Khi các bạn con nói truyện về bố, con toàn im lặng mẹ ạ! con không biết nói gì. Khi ra tòa, bố nói sẽ không nuôi một đứa nào hết, lòng con thắt lại, một nỗi căm hận thoảng qua trong lòng mẹ ạ! Mẹ vất vả nuôi ba anh em con, thế mà con đã bao giờ hiểu cho mẹ đâu. Con cứ hồn nhiên ăn học, thiếu cái gì lại đòi cho bằng được. Khi đó dù không có, nhưng thương chúng con, mẹ cũng cố vay mượn để bọn con được bằng bạn bằng bè. Bây giờ con cũng lớn rồi, con cũng phần nào hiểu được lòng mẹ, mẹ còn phải lo cho con tương lai sau này. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, kết thúc năm học 12, biết bao con đường, con biết trọn con đường nào đây? Con cần mẹ dìu dắt con đi trên con đường ấy. Nếu không có mẹ chắc con sẽ yếu đuối lắm. Bây giờ con cũng mới biết, những lúc con cãi mẹ là những lúc con sai, mẹ ơi, con xin lỗi mẹ! Rồi cả những lúc con cãi nhau với em, tị với em rửa bát, con sai rồi mẹ ạ! Nhà mình làm ruộng nên cũng chỉ đủ ăn, để có tiền cho con đi học tiếp, rồi cả em Thuý nữa mẹ lại phải một lần nữa đi làm thuê, kiếm tiền nuôi chúng con. Con còn quá non nớt để hiểu cuộc đời, con còn phải học nhiều. Mẹ biết không, mẹ là người thày lớn nhất dạy con hiểu đời, hiểu người, biết cư xử để mà sống sao cho người đời không chê cười. Ngày hôm qua mẹ còn như thế, hôm nay trên khuôn mặt rám nắng của mẹ lại thêm mấy nếp nhăn nữa rồi. Vì mẹ phải suy nghĩ nhiều quá, mẹ vất vả quá. Gia đình họ có cả vợ, cả chồng nuôi con còn vất vả, một mình mẹ nuôi ba anh, em con ăn học lại lập nghiệp nữa nên chật vật gấp mấy lần. Điều con có thể làm được để mẹ bớt khổ hơn là con phải thật cố gắng học để khỏi phụ lòng mong mỏi của mẹ. Để con không phải thấy những giọt nước mắt tuôn rơi trên gò má gầy của mẹ, để mẹ vui hơn, vì bọn con , mẹ hãy cố lên mẹ nhé. Chúng con cần mẹ, con yêu mẹ nhiều lắm! Và ngày mai, khi con đã lớn khôn, con sẽ cố tự bước đi trên con đường mà mình đã chọn, nhưng con biết, mẹ vẫn luôn dõi theo từng bươc chân con, mẹ luôn ở trong lòng con, mẹ a !!! Khi mẹ buồn, mẹ hãy nhớ đến chúng con, những đứa con ngoan, luôn yêu mẹ, luôn ở bên mẹ, mẹ nhé! Con gái yêu của mẹ Nguyễn Thị Thanh
0 nhận xét: