Kí ức chợ Đồn

Kí ức chợ Đồn
TQĐT – Từ vùng Văn Phú, Hào Phú rồi đến tận xã Lâm Xuyên (Sơn Dương), hễ gia đình nào có nhu cầu mua sắm những vật dụng có giá trị đều bảo nhau lên phố, ra phố Kim Xuyên, xã Hồng Lạc. Người ta gọi là phố Kim Xuyên từ hồi Pháp thuộc với những dãy hàng hóa đủ chủng loại đáp ứng nhu cầu mua sắm của bà con. Nay, phố càng sầm uất hơn bởi được xây dựng chợ, đường nhựa, bưu điện, bệnh viện, trường học, ngân hàng, rồi cơ quan thuế và có cả nửa chục doanh nghiệp.

Phố Kim Xuyên là mọi người tự đặt và gọi như thế chứ chưa có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào công nhận. Sự phát triển cả về kết cấu hạ tầng và dân trí, điều kiện sống đã tạo cho Kim Xuyên mang dáng dấp của một khu phố. Đó là phố nhỏ giữa làng…
Kim Xuyên có tiếng giàu có từ rất lâu đời. Vùng đất này là nơi nhiều nhà quý tộc, mỹ nữ thời Pháp thuộc chọn làm nơi ở, lập nghiệp. Nhiều đồn điền được các ông chủ Pháp xây dựng như đồn điền cà phê, chè và chăn nuôi gia súc, đặc biệt là trâu, bò. Ngày trước, Kim Xuyên có tên gọi là An Phúc. Khi người Pháp đặt chân đến đây, thấy nơi này non nước hữu tình, dòng Lô lại giàu khoáng sản, thế đất như long hổ bao quanh nên đặt tên là Kim Xuyên. Vùng này thuận cho việc làm ăn, kinh doanh buôn bán.
Người Pháp và địa chủ cường hào chia nhau cai quản đất đai, khai thác lâm thổ sản từ núi Lịch, phát triển đồn điền, khiến nhu cầu về lao động rất lớn. Người Pháp đưa lao động từ các tỉnh miền xuôi như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Ninh Bình, Thái Bình… về đây làm phu. Cuộc sống của phu đồn điền ngày đó không đủ cơm lót dạ, bị bóc lột thậm tệ. Thế là họ liên kết với người dân địa phương bí mật khai thác lâm thổ sản vận chuyển về xuôi lấy tiền dựng xây cơ nghiệp. Ông Nguyễn Phú Xuyên, một trong những người cao tuổi ở đây kể rằng, những người miền xuôi lên đây làm ăn kinh tế rất giỏi, nhiều chủ đồn điền cũng phải nể phục. Những hàng quán mọc lên phục vụ chủ đồn điền, người giàu có, dần dần hình thành những dãy phố nhỏ xung quanh chợ Đồn. Chợ Đồn có từ rất lâu, không ai còn nhớ chợ có từ khi nào. Cái tên chợ Đồn có lẽ cũng xuất phát từ nơi đây có nhiều đồn điền của người Pháp.
Các cụ kể rằng, xung quanh chợ, họ xây dựng khu vui chơi giải trí rất sang trọng. Những phiên chợ Đồn đông đúc lắm, người tứ phương của 3 tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc về họp chợ mua bán hàng hóa. Chợ nằm sát bên dòng sông Lô, thuyền bè chuyên chở hàng hóa về miền xuôi nhộn nhịp. Người nghèo ở các nơi đổ về đây tìm kế sinh nhai và gắn bó với chợ Đồn từ ngày đó. Họ đoàn kết, đùm bọc, yêu thương nhau trong làm ăn, chống lại sự kiểm soát gắt gao của người Pháp và những tên địa chủ cường hào ác bá. Những con người cùng chung phận nghèo khổ gặp nhau để rồi gắn bó thành vợ chồng, thành anh em. Nhà cửa được dựng lên trở thành khu dân cư đông đúc. Những gia đình này phần lớn sống bằng nghề buôn bán kinh doanh, là đầu mối làm ăn với miền xuôi nên trong tiềm thức của mọi người nơi đây đã là phố phường.
Chợ Đồn ngày càng đông đúc, nhộn nhịp. Thời bao cấp, giao thông đường bộ vẫn chưa phát triển như bây giờ, đường thủy với chiếc ca nô là phương tiện số 1 để vận chuyển hành khách, hàng hóa của người Vĩnh Phú (thời đó Phú Thọ và Vĩnh Phúc được sáp nhập thành một tỉnh) đến xứ Tuyên. Bến chợ Đồn là nơi trung chuyển hành khách của hai tỉnh. Hàng hóa của người phố Kim Xuyên, các vùng lân cận được mang về thành phố Việt Trì, lên thị xã Tuyên Quang; người miền xuôi, người thành phố, thị xã lại mang quần áo, giày dép, vật liệu xây dựng, hàng điện tử về chợ Đồn… Kim Xuyên ngày càng thịnh vượng. Thời bao cấp, nhiều gia đình còn phải lần từng bữa ăn, rau cháo qua ngày, ấy thế mà dân Kim Xuyên vẫn cứ sung túc, vẫn có nhiều nhà kiên cố mọc lên. Người dân quanh vùng nói đến dân Kim Xuyên là nể trọng lắm vì tài làm ăn buôn bán kinh doanh, học hành.
Thời kỳ đổi mới, hệ thống vận tải đường bộ phát triển mạnh, chiếc ca nô vận chuyển hành khách ngày ấy giờ chỉ còn là ký ức. Thay thế vào đó có bến xe khách Kim Xuyên. Nhiều chủ doanh nghiệp là người địa phương đầutư xe tô 16, 24 chỗ ngồi… khai thác các tuyến nội tỉnh, liên tỉnh từ Tuyên Quang đi Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, làm giàu cho gia đình và xã hội. Phố Kim Xuyên giờ sầm uất như thị trấn, thị tứ vậy.
Kế Nghiệp
Kim Xuyên có 250 hộ dân, phần lớn đều làm nghề buôn bán, kinh doanh dịch vụ, trong đó có 5 doanh nghiệp kinh doanh vận tải, khai thác cát sỏi và xây dựng cơ bản. Các hộ dân ở đây đều xây nhà 1, 2 tầng, có gia đình xây cả biệt thự 5 tầng, có xe hơi “xịn”. Họ đã kế nghiệp cha anh về khả năng làm giàu trên chính quê hương mình. Tuy nhiên, để có cả cơ nghiệp như thế, người dân vùng đất “gà gáy cả 3 tỉnh nghe được” này cũng phải “bảy nổi ba chìm”, lênh đênh khắp nẻo để có tiền xây dựng nhà cửa, làm doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Thiện Long, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thiện Long kể, bố mẹ ông từ huyện Sơn Đông, tỉnh Vĩnh Phúc lên đây lập nghiệp từ thời Pháp thuộc. Mới đầu cũng chỉ là buôn chuyến mang hàng từ Vĩnh Phúc lên, rồi mua hàng từ Kim Xuyên về. Rồi, cả nhà trên con thuyền nhỏ, cuộc sống lênh đênh sông nước, mùa lũ thật là cơ cực. Bố ông Long gom góp tiền làm ngôi nhà gỗ khang trang trên đất này, mở cửa hàng buôn bán vật liệu cho bà con trong vùng. Ông Long lớn lên, đi bộ đội đánh Mỹ ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Hòa bình lập lại, ông về quê kế nghiệp cha. Ông bảo, thời cha ông đã khát khao mở một doanh nghiệp khai thác cát sỏi trên dòng Lô rồi. Ý chí của các cụ thật lớn lao nhưng vì thiếu tiền, chưa có kỹ thuật khai thác nên cụ không thực hiện được ước mơ ấy. Cụ dồn khát khao ấy vào người con trai mình. Ông Long lên thị xã Tuyên Quang, về Vĩnh Phúc tìm mối làm ăn, mở thêm dịch vụ bán xi măng, sắt xây dựng.
Chuyện làm ăn đâu phải lúc nào cũng xuôi dòng, có lúc khách hàng nợ nhiều quá, ông phải bán cả nhà trả tiền cho bạn hàng để giữ chữ tín. Vợ chồng, con cái thuê một căn nhà ở tạm nhưng vẫn giữ cho được cái cửa hàng kinh doanh vật liệu. Thấy ông phải bán nhà trả nợ, những người mua hàng chịu, cuối vụ làm ăn đã trả tiền mua vật liệu cho ông. Ông bảo, người ở vùng này là thế, họ không “ăn quỵt” bao giờ. Có vốn, ông đầu tư xưởng đóng tàu, thuyền bán cho những người làm nghề sông nước. Ông vỗ vai tôi bảo, trong làm ăn khó tránh khỏi rủi ro, thậm chí thất bại. Điều quan trọng là ý chí của mỗi người. Cái ngày bán cả ngôi nhà để trả nợ, bà vợ và những người anh em tưởng ông sẽ gục ngã. Nghĩ đến người cha, lênh đênh sông nước, cuộc sống ngày ấy bị thực dân, phong kiến bóc lột như thế mà các cụ vẫn tồn tại và sống đàng hoàng; ông một thời trận mạc có thêm bản lĩnh vững vàng trước khó khăn.
Đồng vốn tích lũy được, năm 2001 ông Long xin phép thành lập doanh nghiệp chuyên khai thác cát sỏi, kinh doanh vật liệu xây dựng và sửa chữa thuyền bè, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động, thu nhập bình quân đạt gần 3 triệu đồng/người/tháng. Người lao động được ông Long đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Ông cho biết, hiện doanh nghiệp có 7 tàu cuốc, 2 tàu vận chuyển cát sỏi cỡ lớn. Mỗi năm doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước hơn 400 triệu đồng. Ông Long đã mua xe hơi, xây được ngôi biệt thự 5 tầng.
30 tuổi, Vũ Minh Đức là giám đốc trẻ nhất Kim Xuyên. Anh học Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chuyên ngành vật lý, nhưng khi ra trường lại đi làm doanh nghiệp. Ông Vũ Hải, bố anh Đức bảo, chọn cho nó cái nghề dạy chữ cho đời là khát vọng của cả họ tộc. Thôi, giờ nó đã trưởng thành có quyền quyết định cuộc sống của mình. Nó làm doanh nghiệp kế nghiệp được cái nghề “đặc sản” của dòng họ. Ông Hải tâm sự, việc kinh doanh cũng lắm nhọc nhằn. Lúc nào cũng phải động não, tính toán đường đi, lỡ một bước thôi là đổ bể hết. Vợ chồng ông ngày còn trẻ buôn bán hàng nông sản về tận Việt Trì, Hà Nội, Hải Phòng… chắt chiu từng đồng để mở cửa hàng kinh doanh đồ gỗ nội thất tại nhà. Ông về xuôi, tìm đến những cơ sở sản xuất đồ gỗ lớn nhận hàng về bán.
Hàng bán được cũng khá, tiền thu được ông dành dụm xây dựng nhà cửa khang trang, có vốn cho Đức mở doanh nghiệp chuyên về xây dựng cơ bản. Nó đã đi học thêm chuyên ngành xây dựng rồi, tay nghề vững lên từng ngày. Doanh nghiệp của Đức có đủ máy ủi, ô tô tải đáp ứng thi công các công trình vừa và nhỏ phục vụ bà con quanh vùng. Đức tâm sự, mới vào nghề nên cái gì cũng bỡ ngỡ, may mà có bố giúp sức. Mình tuổi trẻ, nhiều khi gặp khó khăn hay nản… Ông bố lại bày cho cách làm, tìm việc, nhận được nhiều công trình có giá trị. Đức khẳng định, anh sẽ đầu tư thêm máy ủi, xe tải để nâng cao năng lực thi công, tạo uy tín với khách hàng.
Kim Xuyên còn nổi tiếng là đất hiếu học. Các gia đình bộn bề việc làm ăn nhưng không hề xao nhãng chuyện học của bọn trẻ. Kim Xuyên không có người mù chữ, 100% học sinh đều học hết THPT. Đến nay, Kim Xuyên có hơn 200 người đỗ đại học, cao đẳng và trên đại học đang công tác ở khắp nơi trong tỉnh và Hà Nội. Đó có thể coi là một kỳ tích.
Mai này Kim Xuyên sẽ phát triển mạnh hơn nữa bởi tỉnh đã có kế hoạch đầu tư xây dựng cây cầu bắc qua sông Lô nối liền Kim Xuyên với tỉnh Phú Thọ. Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải khẳng định, cây cầu này được khởi công xây dựng trong năm 2010 để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Khi đã có cầu, dải đất Kim Xuyên được nối với các vùng tỉnh bạn, hàng hóa sẽ bán được nhiều hơn, đời sống nhân dân ngày càng giàu có. Kim Xuyên sẽ được công nhận thành thị trấn, thị tứ trong nay mai.

( Bài viết được trích dẫn từ bài dự thi ” Tuyên Quang Hội Nhập và Phát Triển ” của tác giả Thành Công – Báo Tuyên Quang Điện Tử )