Khát vọng Kim Xuyên

Khát vọng Kim Xuyên

Giữa mênh mông sóng nước sông Lô, nhưng những người dân xã Hồng Lạc (Sơn Dương) vẫn “khát”. Đó là những người nghèo khát khao một cuộc sống no đủ hơn. Những thương nhân khao khát hàng hóa nông sản bán chạy… Mỗi cuộc đời, mỗi số phận ở đây đều mang trong mình những khát vọng riêng, nhưng có một khát vọng mà tất cả đều hướng đến: Khát vọng có một cây cầu. Và cây cầu Kim Xuyên đang được xây dựng đã cho họ niềm tin tưởng cây cầu sẽ làm nên sự đổi thay.


Một túp lều tranh…
Cách đây đã gần 30 năm, chị Nguyễn Thị Quyên, thôn Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) chỉ là cô gái tuổi 20. Chồng chị, anh Nguyễn Vân Hân – người thanh niên tuấn tú ngày lấy chị tài sản mang theo là những con số không tròn trĩnh: Không nhà cửa, không của hồi môn, không nghề nghiệp và không mảnh đất cắm dùi. Song, có sức khỏe là có tất cả – vợ chồng chị tự an ủi nhau rồi mượn đất của bà con hàng xóm để dựng tạm căn nhà. Đúng hơn đó là cái “lều” để chui ra khi chiếc đồng hồ báo thức là tiếng gà gáy canh ba và chui vào lúc nửa đêm. Anh chị nhận thấy, ở đây vào các buổi chợ phiên, thương nhân từ khắp các nơi đổ về, trên bến dưới thuyền tấp nập. Chị nghĩ, người nơi khác đến kiếm tiền và làm giàu trên chính quê hương mình, vậy tại sao mình lại bỏ qua cơ hội đó? Đắn đo suy nghĩ rồi anh chị cũng quyết định buôn bán. Nói là buôn bán cho oai chứ thực chất thì anh hàng ngày đi bán kem, chị thì đi chạy chợ. Ngày đầu đi buôn thật chẳng dễ. Nhiều hôm rao bán hàng khô cả họng mà chẳng “ma” nào thèm mua. Kem thì tan chảy hết, rau cải cũng ế nhăn! Kiểu này chắc đến tiền đong gạo cũng chẳng kiếm được nữa – chị than thở.

Chín tháng mang nặng đẻ đau đứa con đầu lòng cũng là ngần ấy ngày chị phải bươn trải để chuẩn bị điều kiện cần thiết khi đứa trẻ ra đời. Nhưng oái oăm thay, khi đứa con ra đời thì chồng chị lại ốm liên miên. 3 lần anh phải lên bàn mổ đã vét cạn số tiền ít ỏi chị dành dụm được để nuôi con. Vậy là sinh con vừa được vài ngày, chị lại khăn gói đi buôn. Sáng đi, trưa về, chiều đi, tối về. Công việc của chị được lập trình như một cái máy. Con nhỏ vắt kiệt sữa. Công việc vắt kiệt sức lực. Chồng ốm vắt kiệt tài sản. Chị thành người vô sản, sống lay lắt qua ngày. Và cái nghịch lý thường ngày xảy ra trong túp lều của chị là con khóc – bố cho “bú”. Anh vừa tự ái, vừa đau lòng, là thằng đàn ông mà suốt đời “bám váy” vợ. Vậy là sau khi sức khỏe dần hồi phục, anh cùng chị “cửa đóng then cài” đi buôn, con cái khi thì gửi nhà hàng xóm, khi lại gửi nhà ông bà.
Lãi ít đẻ lãi nhiều, từ người chuyên giao hàng, anh chị đã mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà. Cái cửa hàng nhỏ ấy không ngờ đã trở thành cứu cánh cho gia đình anh chị thoát nghèo. Trung bình mỗi tháng anh chị cũng thu lãi vài triệu đồng. Mãi sau này, khi Kim Xuyên có bến đò thì đoạn đường buôn bán của vợ chồng chị mới bớt phần vất vả. Song chị vẫn khao khát có một cây cầu bắc qua sông Lô, để những người phụ nữ như chị không phải ngày ngày gọi đò, chờ đò… Để chị có thể về bên gia đình dù đêm đã quá khuya. Để chị có thể “chạy” được nhiều chuyến hàng hơn. Và khao khát ấy hôm nay đã trở thành hiện thực. Một cây cầu Kim Xuyên bắc qua sông Lô đang ngày một hiện hữu.
Cây cầu làm nên sự thay đổi
Nhiều người vẫn đùa ông Trần Văn Lộc, thôn Kim Xuyên rằng khi cây cầu Kim Xuyên hoàn thành ông sẽ mất đi một kế sinh nhai là chở đò. Tính ra mỗi ngày cũng mất đứt năm bảy trăm ngàn đồng chứ ít ỏi gì. Ông trầm ngâm: Bốn đời chở đò ngang ông chứng kiến biết bao câu chuyện, thương tâm có, hài hước có. Đó là tiếng gọi đò thống thiết khi có người đi cấp cứu. Đó là cảnh những tư thương tay xách nách mang con gà, hay cân thịt khi lãi lớn và lại to tiếng, đổ lỗi cho nhau khi ế ẩm… Đó còn là tiếng kêu cứu của những đứa trẻ chơi trò sông nước… Những tiếng gọi đò bất chợt, không kể giờ giấc như vậy luôn làm ông day dứt. Vì vậy, ông vẫn thầm mong có một cây cầu bắc qua sông Lô để ông không còn thấy gai người khi bất chợt có tiếng gọi đò nữa.
Thế rồi, ước nguyện của ông cũng như của hàng trăm người dân Kim Xuyên cũng được thỏa mãn. Đó là ngày 2-9-2010 – ngày khởi công xây dựng cầu Kim Xuyên. Đã lâu lắm rồi người dân Kim Xuyên mới có một ngày hội ý nghĩa như vậy. Không ai bảo ai, từ người già đến con trẻ đều tạm gác lại mọi việc để được chứng kiến ngày lễ trọng đại này. Họ nhanh chóng nhận tiền đền bù rồi bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ông Lộc còn nhớ như in lời phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sáng Vang: Cầu Kim Xuyên là cây cầu có quy mô lớn nhất, có tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại nhất và thi công theo công nghệ tiên tiến nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Việc xây dựng cầu Kim Xuyên bắc qua sông Lô đáp ứng được nguyện vọng đi lại thuận lợi, nhanh chóng và an toàn của người dân sinh sống hai bên bờ sông Lô, của hai tỉnh Phú Thọ và Tuyên Quang. Nói rồi ông cầm tờ Báo Tuyên Quang đọc lại toàn văn bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Giọng ông vừa hồ hởi, vừa đầy tự hào như muốn khoe với chúng tôi về một cây cầu đang hiện hữu từng ngày trên mảnh đất quê ông: Dự án xây dựng cầu Kim Xuyên có tổng mức đầu tư xây dựng 296,77 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Cầu Kim Xuyên được xây dựng với quy mô cầu cấp I, xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Chiều dài cầu 638m, rộng 11m (không kể đường dẫn cầu), thi công theo công nghệ đúc hẫng cân bằng; trọng tải thiết kế HL93. Tổng chiều dài đường dẫn cầu và các nhánh trong nút giao thông là 1,8 km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi. Thời gian hoàn thành 24 tháng.
Đọc đến đây ông ngừng lại nói, rồi đây hàng chục tấn lúa, hàng trăm tấn lợn, gà… của bà con sẽ nhanh chóng được chuyển sang bờ bên kia sông Lô mà không còn phải lo về đường xá xa xôi, không lo bị tư thương ép giá nữa. Rồi đây bà con cũng không phải nơm nớp lo sợ tài sản và tính mạng của họ luôn đứng trước nguy cơ bị dòng nước cuốn trôi khi ngồi trên những chuyến đò ngang lênh đênh giữa sông nước. Rồi những đứa trẻ không phải ngày ngày chơi trò con trẻ đầy nguy hiểm ở ven sông Lô để ngóng mẹ trong những chuyến đò chiều. Cuộc sống của những gia đình nghèo khó như anh chị Quyên – Hân sẽ bớt phần cơ cực…
Có ai đó đã từng nói, muốn nhìn thấy cầu vồng phải trải qua những cơn mưa. Những người dân Kim Xuyên cũng thế, họ phải nếm trải bao khó khăn vất vả, lênh đênh trên những chuyến đò để chờ đợi một cây cầu mang tên Kim Xuyên hôm nay. Cầu Kim Xuyên dẫu không tỏa nhiều sắc màu như chiếc cầu vồng sau cơn mưa, nhưng tất cả những người dân Hồng Lạc nói riêng và tỉnh ta nói chung đều hy vọng và tin tưởng, cầu Kim Xuyên khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ mang đến một gam màu mới – gam màu của sự đổi thay và hạnh phúc.
Chúc Ngọc Huyền