Truyện ngắn: Cánh đồng tuổi thơ

Cánh đồng tuổi thơ.
Trần Chí Nhân - Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao & du lịch Hoàng Su Phì - Hà Giang - Cựu học sinh lớp 12D khóa 1987 - 1988 Trường THPT Kim Xuyên do thầy Đinh Thức chủ nhiệm lớp

Tháng tư.
Cái nắng đầu mùa không chói chang, cứ trong veo như nước giếng nhưng làm nhức cả mắt mỗi khi nhìn thật lâu và sâu thẳm vào trong nó.
Nhà thằng Khanh nằm ngay dưới chân quả đồi xum xuê cây cối của xóm Gò Đình, phía trước là cánh đồng trũng chạy ngoằn nghèo, xen lẫn giữa những ruộng lúa là những khóm cây ắn, cây và mọc lúp xúp mọc đầy những búp non tím ngắt. Dọc hai bên rộc ruộng là những vườn mía xanh rì. Thi thoảng, những cơn gió cuốn theo mùi phấn mía, mùi hương của lúa non quyện lẫn mùi nắng nồng nồng tạo lên thứ hương vị thật đặc biệt, mỗi khi ngửi thấy thằng Khanh thường bảo: Mùi mùa hè đấy!
Vào những buổi trưa, cái nắng đầu hạ khiến những lá lúa cuộn tròn lại ôm chặt lấy búp đòng đòng như người mẹ ôm đứa con để chở che trước ánh nắng đầu mùa, ấy cũng là lúc thằng Khanh thường vác cái cần câu và chiếc hộp mồi bằng ống bơ sữa bò ra bãi bềnh ở giữa dộc ruộng câu cá. Chui vào một bụi cây và cành lá xum suê cạnh khoảng ao mọc đầy cỏ rôm nó móc một đoạn giun đất vào chiếc lưỡi câu rồi thả xuống nước. Lũ cá rô và cá chê thường ngày vốn thích ẩn mình  trong bãi bềnh bị mùi giun đất kích thích khiến chúng tranh nhau ăn mồi làm thằng Khanh giật mỏi cả tay. Những con cá béo vàng thi nhau chui vào cái giỏ tre treo ngay dưới mép nước cạnh gốc cây và khiến thằng Khanh vô cùng thích thú. Đi câu cá buổi trưa vẫn là một thú vui của nó bởi nó luôn được sống trong cái cảm giác tò mò hồi hộp, nhất là khi cá cắn câu khiến cái phao nhấp nháy rồi bị kéo trôi tuột vào phía trong bãi bềnh và cái cảm giác sần sật nặng tay khi giật cái cần khiến con cá dãy dụa ở phía cuối đoạn dây cước câu. Lắm hôm giở giời cá ra ăn nhiều nó câu được cả giỏ. Giống cá chê mà nấu canh dưa hoặc măng chua thì không gì ngon bằng.
Câu cá chán, thằng Khanh đi tìm trứng vịt, trứng chim quốc. Những gốc cây và, cây ắn mọc um tùm, những vạt ruộng lúa nếp cao vút đầu thật là thiên đường lý tưởng cho bầy chim quốc làm tổ, những đàn vịt bầu mải ăn quên cả đường về cũng tìm những búi cây dậm rạp để ngủ và đẻ trứng. Giống chim quốc tuy to xác nhưng thật lười nhác, cả ngày chỉ mải kiếm mồi đến nỗi quên cả làm tổ, đến khi sắp đẻ mới bẻ vội vàng vài cọng lúa thấp tè hoặc mấy cái ngọn cây và để làm chiếc tổ tạm bợ thoáng nhìn trông như cái tổ chuột, Có buổi thằng Khanh tìm được cả chục quả trứng hoa hoa vằn vằn như trứng chim cút. Vào mùa mưa, cây cỏ mọc xanh mướt, tôm cá thi nhau đẻ trứng, cào cào trâu chấu sinh sôi nảy nở hàng đàn làm mồi cho lũ chim quốc thoả sức ăn đến béo múp.
Ở cái vùng quê này vào mùa hè không thể thiếu tiếng chim quốc kêu, nhất là sau những trận mưa rào tiếng ếch ương, à uôm, chẫu tràng, tiếng ếch vang lên cả đêm với nhiều cung bậc khác nhau tạo thành bản nhạc đồng quê thật đặc biệt, và trong cái bản nhạc nhiều âm sắc đó tiếng quốc kêu vang lên khô khốc như tiếng nấc. Ngày còn nhỏ, thằng Khanh thường nghe mẹ kể quốc là giống chim rất chung thuỷ, sống có tình nghĩa, chúng sống thành từng đôi, có một con vợ, một con chồng. Vào đầu mùa hè chúng làm tổ, đẻ trứng và ấp trứng nở thành đàn con. Hàng ngày đàn quốc con quanh quẩn theo cha mẹ kiếm mồi. Theo thời gian, đàn quốc con khôn lớn và cần nhiều thức ăn hơn, quốc bố, quốc mẹ phải nhường hết những con mồi mà mình kiếm được cho lũ con háu đói và nghịch ngợm và chỉ ăn những miếng mồi thừa của đàn quốc con khiến quốc bố quốc mẹ gầy dộc. Một ngày kia, khi lũ quốc con khôn lớn thì cũng là lúc quốc bố quốc mẹ gần kiệt sức vì luôn nhường nhịn thức ăn cho đàn con, hiểu ra sự thật, đàn quốc con đành phải dứt lòng chốn đi kiếm ăn ở một nơi khác để nhường lại thức ăn cho quốc bố quốc mẹ. Qua một đêm ngủ dậy, quốc bố quốc mẹ thấy mất đàn quốc con chúng gọi mãi, gọi mãi mà lũ quốc con cũng không về, quốc bố quốc mẹ vô cùng ân hận vì nghĩ rằng chỉ vì chúng ngủ quá say mà để đàn con lạc đi mất. Từ đó, quốc bố quốc mẹ quên ăn, quên ngủ để gọi hy vọng đàn con nghe tiếng cha mẹ gọi mà quay về. Quốc bố, quốc mẹ gọi mãi đến mất cả tiếng khiến cho tiếng gọi tắc nghẹn lại như tiếng nấc khóc đàn con bội bạc. Gọi đến kiệt sức, cả quốc bố, quốc mẹ chết héo bên bờ ruộng. Một ngày, đàn quốc con khi đã khôn lớn chúng quay về thửa ruộng nơi chúng đã sinh ra để tìm bố mẹ nhưng tìm mãi mà vẫn không thấy, chúng ân hận vì đã nông nổi chốn bố mẹ ra đi. Từ đó, hàng đêm đàn quốc con lại cất tiếng gọi như để tạ lỗi với quốc bố quốc mẹ vì lỗi lầm của mình.
Chẳng biết chuyện đó có thật hay không nhưng thằng Khanh thấy không tin lắm vì nó thấy hàng ngày vẫn có hàng toán người lạ hoắc từ đâu đến dùng chiếc sáo bằng ống nứa thổi hệt như tiếng quốc kêu rồi giăng lưới để dụ đàn quốc vào lưới. Những con quốc béo múp đen chũi to như nắm tay nằm chật ních trong chiếc lồng chứng tỏ chúng chẳng nhớ bố mẹ đến nhịn ăn một chút nào. Duy chỉ có một lần nó đi tìm trứng thì thấy một đàn quốc con màu nâu xám đang bơi, nó đuổi theo và bắt được hai con về nhốt vào chiếc lồng, cả buổi trưa nó bỏ câu cá để đi bắt cào cào bón cho hai con quốc vậy mà không hiểu sao cả hai con chẳng con nào chịu ăn suốt ngày chỉ kêu chiêm chiếp, được mấy hôm thì lăn ra chết, mẹ  thằng Khanh bảo hai con chim đó chết là do nhớ mẹ. Thương hai con chim, nó dủ Nhật - thằng bạn cùng xóm đào một chiếc hố để chôn. Từ ấy chẳng bao giờ thằng Khanh bắt chim non để nuôi nữa.
Cánh đồng chiêm trũng trước cửa nhà thằng Khanh vào mùa quốc kêu quả là một kho báu đối với nó. Cuối tháng ba khi những trận mưa rào đầu mùa vừa đổ xuống là nó vác ngay mấy cái đó hai mang ra đặt ở những lạch nước để đơm những con cá rô, cá chạch và cả những con cua vàng khè đang rực trứng chờ đẻ, qua một đêm phải bắt được cả chậu. Ăn chán, mẹ nó đem nấu cho lợn và phơi khô cất đến mùa đông ăn dần.
Giữa mùa mưa, khi những cơn lũ từ phía thượng nguồn sông Lô cuồn cuộn đổ về đem theo vô số những hạt phù sa từ phía thượng nguồn dâng ngập cả những cánh đồng mới gặt, từng đàn cá chép, cá chày theo dòng nước vào kiếm mồi và vật đẻ quanh những khóm giạ và những bụi cây thì nó lại theo Bố đi thả cụp bẫy cá. Khi nước rút, nó kiếm những cành cây tươi cắm vào những thửa ruộng để lấy chỗ cho cá trú nắng chờ khi nước gần cạn mới be bờ tát cạn nước bắt được vô số cá rô, cá diếc cho mẹ làm mắm.
Với thằng Khanh, việc đi đặt lờ tát cá là một thú vui không thể cưỡng lại, đi học về ăn vội miếng cơm rồi quẳng bát đũa là nó vơ ngay cái cần câu hoặc cái giỏ và chiếc gầu sòng để ra đồng bắt cá. Nhà nó đông anh em lắm, nó là đứa thứ tư trong bẩy chị em bốn trai và ba gái, năm nó mười bốn tuổi mà các chị nó vẫn chưa chịu lấy chồng, đến bữa cơm cả chín người ngồi vòng quanh chiếc mâm gỗ như buổi họp thôn, nhưng không phải vì thế mà nó phải dầm mưa dãi nắng kiếm thức ăn cho gia đình vì ở cái vùng đồng trũng này việc kiếm thức ăn tươi thật dễ như lên núi kiếm củi và chẳng tốn nhiều công sức mà cái chính là do sở thích của nó. Dãi nắng nhiều khiến tấm lưng nó đen bóng như đồng hun, chiếc áo ba lỗ xám ngoét rách như tổ đỉa chỉ còn hai chiếc quai bám vào vai như hai chiếc dây súng cao su cả ngày nhấp nhô dưới ruộng. Cũng may mà Ông trời phú cho nó sức khoẻ vì chẳng bao giờ thấy nó dùng một viên thuốc. Nhiều khi nó bị bố vác roi đánh thừa sống thiếu chết vì sợ nó ốm nhưng cũng chỉ được vài ngày rồi đâu lại hoàn đấy.
Cái cánh đồng trũng này gắn bó với nó như máu thịt, nuôi dưỡng nó lớn lên từng ngày bằng con cua con ốc. Nhắm mắt lại nó cũng nhớ được từng đoạn bờ, từng cái vũng, bãi bềnh gốc cây mà nó thường ngồi câu cá. Nhớ cái dạo chú nó đưa nó về thăm Hà Nội, lúc đầu nó hăm hăm hở hở vì được về thủ đô thăm Bác Hồ, nó bước đi trong ánh mắt ghen tỵ của mấy đứa bạn cùng xóm, ấy vậy mà cũng chỉ được một tuần đã thấy nó mò về nhà. Bố nó tưởng là nó lỡ cắp trộm hay làm điều gì xấu bị chú đuổi liền quay ra mắng cho một thôi khiến nó oà khóc, một lúc sau mới phân trần rằng ở Hà Nội buồn lắm, mấy con khỉ con rắn ở vườn Bách thú xem đi xem lại mãi cũng chán, ra đường thì xe cộ đinh tai nhức óc và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ vì bị xe tông nhưng điều khiến nó nhớ nhà nhất chính là cánh đồng trũng ngay trước cửa nhà nó. Nó nhớ da diết tiếng cuốc kêu, nhớ khoảng ao và gốc cây mà nó vẫn hay ngồi câu cá, nó nhớ cả bữa cơm có món canh cua đồng nấu với rau đay mà cả nhà vẫn hay ăn, ngon hơn đứt món canh xương hầm mà người Hà Nội nấu. Đi chơi với đám bạn bè sau khi kể cho chúng nghe những chuyện về Hà Nội rồi nó chợt tỉnh bơ buông một câu nhận xét: Hà Nội không vui bằng ở nhà quê khiến bọn bạn đứa nào đứa ấy trố mắt vì lạ.
Khoán 100 rồi khoán 10 đến với các vùng nông thôn như một quy luật tất yếu của lịch sử. Cánh đồng trước của nhà nó được chia thành các thửa ruộng nhỏ để phân cho các hộ gia đình. Người dân quê nó tập trung đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp vì đó chính là miếng cơm manh áo của họ. Những gốc cây và, cây ắn được các gia đình chặt sạch để đun bếp và nhường chỗ cho những thửa ruộng lúa cao sản. Cái bãi bềnh mà nó vẫn hay ra câu cá được mấy gia đình móc sạch  bùn lên phơi khô để bón vào vườn cho tốt đất. Đoạn đê phía bờ sông cũng được tôn cao để ngăn nước ngập khiến cho lũ cá chẳng thể vào kiếm ăn đẻ trứng.  Thằng Khanh cũng lớn dần theo thời gian, học xong cấp 3 nó đi bộ đội sau đó xin đi học và chuyển ngành về công tác một huyện vùng cao mãi tít trên biên giới Hà Giang, các chị các em nó nay cũng mỗi người một nơi chỉ còn lại chú út ở nhà chăm sóc hai bố mẹ già. Hàng năm vào dịp hè, cậu xin nghỉ phép về thăm gia đình, Khanh đứng lặng hàng giờ trước cánh đồng trũng trước đây đầy những cây và cây ắn, những bài bềnh đầy lau sậy giờ đã trở thành một cánh đồng phẳng phiu thẳng cánh cò bay mỗi năm 3 vụ. Giữa tháng sáu mà ban đêm vắng lặng cả tiếng ếch nhái, tiếng quốc kêu gọi hè, mẹ Khanh bảo những người ở ngoài phố Huyện hay vào đây bẫy chim quốc lắm, có ngày bẫy được cả trăm con, không còn chỗ để trú ngụ sinh sôi, đàn quốc bây giờ hầu như đã bị tận diệt.
Chiều ấy, Mẹ Khanh đi mua mấy lạng cua về nấu canh cho cậu ăn, ngồi nhặt những con cua bé tí tẹo gầy nhom mẹ bảo bây giờ cánh đồng này cua cá không còn vì mỗi năm cấy trồng ba vụ, thuốc trừ sâu, diệt cỏ đã làm chúng chết sạch, muốn ăn thì phải đi mua ở nơi khác về.
Nghe mẹ kể mà Khanh thấy nhói trong lòng, thấy thương cho cánh đồng tuổi thơ của mình.