Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2.9

Trong lúc toàn Đảng, toàn dân ta đang vui mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8 (CMT8) thành công (19.8.1945 - 19.8.2015), tiến tới kỷ niệm 70 năm nước nhà giành được độc lập, tự do (Quốc khánh 2.9.1945 - 2.9.2015) thì có một số người Việt mất gốc, lai căng nhân danh “nghiên cứu khoa học” đã “bắn súng lục” vào quá khứ, hòng làm giảm đi giá trị, vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu đó. 



“... nếu anh bắn súng lục vào quá khứ, thì tương lai sẽ bắn đại bác vào anh”
Rasul Gamzatov
LUẬN ĐIỆU “KHOẢNG TRỐNG QUYỀN LỰC” VÀ “MAY MẮN... VỚ ĐƯỢC CHÍNH QUYỀN” (?)
Mạng BBC ngày 19.8.2015, trang chuyên đề “70 năm Cách mạng tháng 8 và Thế chiến II”, đã đăng “ý kiến” của TS Đoàn Xuân Lộc gửi cho BBC từ Anh quốc nhan đề “Việt minh nắm quyền do đâu?”. Mục đích bài viết là muốn đưa tới độc giả luận điệu: “... chẳng có chuyện Việt minh, một lực lượng do ĐCS lãnh đạo, “cướp” hay “giành chính quyền” gì – và càng không có chuyện họ phải “đánh đấm” để “giành chính quyền” – vì vào thời điểm đó có một “khoảng trống quyền lực” và Việt minh đã có mặt đúng lúc để lấp chỗ trống ấy”.
Từ đó, Đoàn Xuân Lộc phủ định vai trò chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng CSVN trong cuộc đấu tranh cách mạng mùa thu năm 1945, đưa VN bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
VIỆT MINH LÀ AI?
Có lẽ nào ông Đoàn Xuân Lộc có học vị “TS” (tiến sĩ) nhưng không biết Việt minh là ai? Ông ta biết quá rành: Việt minh là tên viết tắt của tổ chức “Việt Nam Độc lập đồng minh hội” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ngày 19.5.1941, với cơ quan ngôn luận chính thức là tờ báo “Việt Nam Độc lập”, xuất bản số đầu ngày 1.8.1941, với tôn chỉ mục đích “Cốt làm cho nhân dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật cho Việt Nam độc lập, tự do”.
Sử sách ghi nhận, ngay khi ra đời, Việt minh với kế hoạch khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa đã hiệu triệu, đánh thức được tinh thần dân tộc và yêu nước cao độ của các tầng lớp nhân dân, điều hoà cơ bản mọi mâu thuẫn, xung đột giữa các giai tầng xã hội, đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Vai trò Việt minh trong CMT8 được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngay sau khi nước nhà giành được độc lập: “Chúng ta đã lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hoà. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta. - Vì sao có cuộc thắng lợi đó? Một phần là vì tình hình quốc tế thuận tiện cho ta.
Nhất là vì lực lượng của toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”. (“Thư gửi các đồng chí Tỉnh nhà” ngày 17.9.1945).
Vai trò của Mặt trận Việt minh cũng được Đại hội toàn quốc thống nhất Việt minh - Liên Việt họp tháng 3.1951 ghi nhận: “Việt minh có công lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân chống quân cướp nước. Công đức ấy tất cả mọi người Việt Nam phải ghi nhớ. Lịch sử Việt minh 10 năm đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc cũng là những trang sử vẻ vang vào bậc nhất của dân tộc Việt Nam ta”.
SỰ THẬT LỊCH SỬ
Sự thật là Đảng CSVN đã dày công chuẩn bị tranh nền độc lập cho dân tộc ta từ tháng 2.1930 (nêu trong Chính cương vắn tắt của Đảng) chớ không phải chờ đến khi phát-xít Nhật nhảy vào Đông Dương mới đặt ra vấn đề giành chính quyền.
Sự thật là, những người CSVN cùng rất nhiều đồng bào yêu nước đã phải lao tâm khổ trí, chịu đựng biết bao gian khổ hy sinh, bao cảnh tù đày, tốn bao xương máu, kinh qua thực tiễn rèn luyện trong khói lửa đấu tranh từ hai phong trào cách mạng 1930-1931 (đỉnh cao là Xô viết - Nghệ Tĩnh) và phong trào Dân chủ 1936-1939, từ đó tiến tới cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945.
Đó là cả một quá trình vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta và thời cuộc thế giới một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Phải dạn dày kinh nghiệm đấu tranh cách mạng lắm, Đảng CSVN mới nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong cả nước vào cuối tháng 8 năm 1945, trong khi phần lớn các đảng cơ hội, xôi thịt khác thì đã “nằm im, chờ thời” hoặc chủ trương “gió chiều nào thì ngả theo chiều đó”.
“Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp” (trích Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Khi tình hình quốc tế biến chuyển tạo ra thời cơ thuận lợi cho ta (Pháp chạy, Nhật hàng Đồng minh) thì Trung ương Đảng triệu tập họp Hội nghị đại biểu toàn quốc, quyết định lập Uỷ ban Khởi nghĩa và phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, Tổng bộ Việt minh thì triệu tập Quốc dân Đại hội (một hình thức Quốc hội) tại Tân Trào, thông qua “10 chính sách lớn của Việt minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca;
Thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch - nói chung là Đảng CSVN và Tổng bộ Việt minh đã chuẩn bị chu đáo mọi mặt và bảo đảm đầy đủ ba nguyên tắc “tập trung, thống nhất, kịp thời” trước khi phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.
Nên hiểu rằng, phong trào Việt minh phải phát triển mạnh và sâu rộng cỡ nào, quân phát-xít Nhật mới chịu nghe theo cán bộ binh vận Việt minh mà “trung lập” hoá, án binh bất động, để Việt minh tổng khởi nghĩa giải tán chính quyền đế quốc Việt Nam (tay sai của đế quốc Nhật Bản) từ trung ương đến cơ sở (*), và thành lập chính quyền mới Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ ngày 2.9.1945.
Những sự thật lịch sử nói trên chứng minh rằng: không có cái gọi là “khoảng trống quyền lực” nào trong những ngày CMT8 tại VN và “Việt minh may mắn vớ được chính quyền” chỉ là một luận điệu xuyên tạc, cay cú của những kẻ vong quốc nô trước thành công của đường lối cách mạng VN do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng CSVN vạch ra và lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi!
PHẠM ĐĂNG
————————
(*): Ở Tây Ninh lúc bấy giờ là chính quyền bù nhìn do Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh đứng đầu.