Câu chuyện: Tết quê xưa

Tết quê xưa
Tác giả: Trần Chí Nhân - Lớp 12D niên khóa 1986 - 1988.
Cuộc cải cách giá - lương - tiền đã khiến không ít gia đình khốn đốn, nhà thằng Khanh cũng không nằm ngoài số đó. Nhà nó có bẩy chị em, bốn gái, ba trai đứa nọ đứa kia sàn sàn cách nhau hai ba tuổi cùng hai bố mẹ chen chúc trong căn nhà tranh hai gian hai trái kèo tre nền đất. Tháng ba, một cơn lốc đầu mùa đã hất tung một nửa mái, bố mẹ và chị gái Khanh phải bỏ mất ba ngày đi bóc lá mía về phơi khô để lợp tạm. Căn nhà vốn đã ọp ẹp lại càng thêm thảm hại.
Ông Doanh là đội trưởng đội 3 xã Hồng Lạc huyện Sơn Dương của tỉnh Hà Tuyên cũ cũng là chỗ thân quen với gia đình nó thấy vậy liền tổ chức hẳn một buổi họp đội, kết quả là ra được một cái biên bản đề nghị với Ban chủ nhiệm Hợp tác xã và Lâm trường Sơn Dương cho nhà nó mua hai chục cây gỗ mỡ và bạch đàn của Lâm trường để làm nhà mới. Anh em, bạn bè hàng xóm với bố mẹ nó dồn tiền cho vay người dăm ba chục đồng, người yến thóc để giúp đỡ làm nhà.

Đùng cái, giữa tháng sáu Nhà nước ra quyết định đổi tiền, cứ một trăm đồng tiền cũ đổi được một đồng tiền mới. Số tiền gần triệu bạc bố mẹ nó tích cóp được bị tụt giá thảm hại bởi hạn ngạch Nhà nước chỉ cho đổi không quá hai nghìn đồng tiền mới, vừa đủ trả công thợ. Đến tháng mười, sau vụ gặt tính theo công điểm nhà nó được chia gần năm tạ thóc, bốn con lợn thì mất hai con bán nghĩa vụ cho Cửa hàng thực phẩm, còn hai con bán được gần trăm bạc vừa đủ tiền mua một nghìn rưởi ngói Hương Canh. Cực chẳng đã, sợ nhà sập bố mẹ nó vẫn quyết thuê mấy bác thợ vườn để làm nhà gỗ năm hàng chân. Gần tết, căn nhà gỗ làm xong nhưng thiếu hẳn một nửa ngói lợp, thế là bố mẹ và chị gái cả lại lóc cóc đi xin hàng xóm mấy gánh lá mía để lợp tạm để lấy chỗ che mưa che nắng. Gần tết, mẹ nó lấy mấy mét phiếu vải vẫn để dành từ đầu năm ra cửa hàng bách hóa mua hơn chục mét vải phin trắng và gói phẩm xanh về đun sôi và cho vải vào luộc rồi đem phơi, sau đó dẫn cả mấy chị em sang nhà ông Ngoại vốn là thợ may bỏ nghề, lấy chiếc lạt trên gác bếp làm thước, ông nó đo chiều dài tay, chân từng đứa rồi cắt vải và bảo chị nó phụ giúp ông xâu chỉ để may quần áo tết cho cả mấy chị em.
Sáng 28 tết, mẹ nó phân công chị cả ở nhà rửa lá dong gói năm cân gạo bánh chưng còn thằng Khanh và chị thứ hai cùng mẹ đi chợ Kim Xuyên nằm sát bên bờ sông Lô. Là phiên cuối năm nên chợ chật cứng người, cả ba mẹ con dắt díu nhau chen lấn đến nghẹt thở mới mua được mấy gói kẹo, cân su hào và mấy cái bắp cải, còn thừa mấy đồng tiền lẻ mẹ nó dúi cho hai chị em. Mắt sáng như sao, nó giật vội tay chị gái rủ đi mua được nửa bánh pháo Hà Sơn Bình và mấy quả pháo cối, đợi em mua pháo xong, chị giắt tay Khanh đi ra sạp hàng bán quần áo, cúi gằm khuôn mặt đang đỏ lừ vì xấu hổ, chị nó chọn vội được cái coóc xê ghép bằng những vải tiết kiệm, thấy vậy, bà chủ quán chửi yêu: Mẹ cha mày cháu ạ, con gái mới lớn mặc cái ý sao vừa, để bác chọn cho cái khác… Mãi chiều ba mươi tết, mẹ nó mới ra cửa hàng thực phẩm, tranh nhau đến sẩm tối mới mua được một cân thịt ba chỉ và cân xương sườn.

Tối giao thừa, bố nó mổ con gà trống và đồ xôi sắp mâm lễ cúng tổ tiên. Ngay từ chiều, ngửi mùi khói hương quyện lẫn mùi hương bưởi bày mâm ngũ quả trên bàn thờ và mùi thuốc pháo phảng phất khiến thằng Khanh rạo rực trong ruột, đến bữa chán cả ăn bởi háo hức chỉ đợi nhanh đến giao thừa để được đốt pháo. Bẩy giời tối, nó thay cả sáu bát pin nước cho chiếc đài Vef 206. Gần sang canh, mẹ nó gọi cả bẩy chị em dậy, đón giao thừa, nghe tiếng gọi, nó bật dậy cầm cái cành tre trên buộc nửa bánh pháo cài lên mái nhà, đúng lúc chủ tịch nước Trường Chinh chúc tết trên Đài phát thanh thằng Khanh tay run bần bật nhận que đóm bố nó đốt sẵn châm vào dây pháo, bố nó nói thì thầm: Lạy trời pháo không xịt…
Ngòi pháo bắt lửa rồi nổ lẹt đẹt hòa vào tiếng pháo vang rền khắp nơi. Khói chưa tan, nó nhảy phắt xuống sân tìm pháo xịt, cả nhà nó mặt tươi rói vì bánh pháo nổ tan tành chỉ có vài ba quả xịt. Bố nó bảo, pháo nhà mình nổ rền thế này là năm nay sẽ may mắn lắm đấy. Đốt pháo xong, cả mấy chị em nó nghển cổ ra đoán nhà ai trong xóm có nhiều pháo nhất và pháo nổ to nhất.
Nhìn sang bờ sông bên Vụ Quang, thằng Khanh bảo: Bên kia đốt nhiều pháo thật, toàn pháo to. Nghe vậy, chị cả nó chép miệng bảo: Chuyện, bên ý toàn nhà giàu lại lo... Mẹ nó thì nhìn lên bầu trời và nói: Năm nay sang canh trời tối thế này thì trồng đỗ đen sẽ ra nhiều quả lắm…rồi quay vào nhắc mấy chị em: Sang canh xong rồi, mấy chị em chúng mày không được chửi nhau, không được đánh đổ vỡ đồ đạc, nhất là không được để đèn tắt mà cả năm mất giông đấy… Đợi mãi cả tiếng đồng hồ sau giao thừa, đến khi ngớt hẳn tiếng pháo thằng Khanh mới vào giường, trằn trọc cả tiếng vẫn chưa ngủ bởi tiếng pháo đì đoàng, nó buột miệng: Họ nhiều pháo thật… Bố nó nhắc: Ngủ đi con, sáng mai dậy sớm còn đi chơi tết. Sáng mùng một tết, cả chín người nhà nó ngồi quây quần quanh mâm cơm ngon nhất trong năm, có đủ cả thịt gà, thịt ba chỉ luộc, canh rau bắp cải, nem cuốn và hương rượu thoang thoảng trộn lẫn mùi khói đèn dầu. Loáng cái, mâm cơm đã sạch chơn, bố mẹ nó nhìn nhau ngậm ngùi rồi bảo: Thôi các con ạ, thịt còn nhưng để đến chiều kẻo tết còn những ba ngày nữa cơ mà… Ăn sáng xong, bố mẹ nó mở hòm lấy quần áo mới ra mặc cho mấy chị em.
Cả bẩy đứa lầng nhầng lít nhít xúng xính trong bộ quần áo vải phin nhuộm phẩm rộng thùng thình, quần ta thắt dải dút trông xanh lè như đàn cánh cam. Chị cả lớn nhất được mẹ giao nhiệm vụ cai quản cả đàn em đi chơi tết. Mấy chị em thằng Khanh đi ra phố chơi tết khiến cả xóm ngỡ ngàng vì cả nhóm đi có hàng có lối cứ như đàn kiến. ra khu lò gạch cũ, thằng Khanh trố mắt xem mấy anh lớn tuổi đánh đáo trong khi mấy đứa chị mải mê tìm mấy quả bóng bay vỡ để mút và buộc thành những quả táo xanh đỏ rồi bóp vỡ đánh pạch như tiếng pháo.
Mãi đến chiều cả bẩy chị em mới về đòi bố nấu canh mì với nước luộc gà, cả bọn ngồi xung quanh bếp lửa dấm trấu khói nghi ngút thọc chân vào đống tro nóng húp xì sụp như chưa bao giờ được ăn món ngon như thế. Thời tem phiếu lặng lẽ qua như một tất yếu của lịch sử, cơ chế thị trường như luồng gió mới, mọi nhà được quyền tự do nuôi lợn, nuôi gà và bán lấy tiền trang trải cho mấy ngày tết.

Nhà thằng Khanh cũng dần khấm khá, nó được đi học hết cấp ba và đỗ đại học rồi vào công tác ở một cơ quan nhà nước, nhà nó cũng dần ăn lên làm ra. Những tết sau đó, nhà nước cấm đốt pháo nhưng tiếng lợn kêu eng éc khi giết mổ ngày tết của mỗi nhà thì không còn bị phạt nữa bởi hàng rào thuế sát sinh và chế độ nghĩa vụ đã được rỡ bỏ, nhưng cái tết nghèo năm ấy thì nó không bao giờ quên được, nhất là tiếng pháo nổ đì đoàng, và nó không bao giờ quên được những bộ quần áo ta xanh như màu cánh cam của mấy chị em mặc trong ngày tết. Tết quê xưa là vậy. Mấy cái tết năm nay, nhà nó năm nào cũng có đủ cả bánh chưng, thịt lợn, rượu tây và cành hoa đào, bố mẹ nó đã thành người thiên cổ nhưng mùng một tết năm nào nó vẫn nấu một nồi canh bắp cải và đĩa thịt ba chỉ luộc để thắp hương cho bố mẹ, âu cũng để nó nhớ về một thời khốn khó mà bọn trẻ bây giờ ít ai tưởng tượng đến.