Truyện ngắn: MÓN QUÀ

Truyện ngắn: MÓN QUÀ
Trần Chí Nhân - BCH Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang
Lớp 12D niên khóa 1986 - 1988
Vứt đôi quang gánh xuống góc sân, chị Thu định bước vào nhà nhưng bỗng cảm thấy có dòng nước lạnh chạy dọc sống lưng khi thấy hai cánh cửa vẫn chốt chặt. Quay ra vườn chị gọi to: - Khanh ơi, Khanh! đâu rồi con?... Gọi mấy câu mà chẳng thấy tiếng thằng Khanh trả lời, ngoài vườn mía chỉ có tiếng gió lùa xào sạc, khô khốc. Đưa tay với chiếc chìa khóa trên mái tranh, chị mở cửa và đưa tay lần mò trong bóng tối tìm cái công tắc điện.

Đang giờ cao điểm, bóng điện hắt thứ ánh sáng vàng quạch xuống gian nhà tranh tĩnh lặng, đưa mắt một vòng quanh nhà không thấy cái cặp sách của thằng Khanh đâu khiến chị chợt quặn thắt trong lòng. Mệt mỏi và lo lắng, chị lần bước xuống bếp vo nắm gạo và bỏ vào chiếc nồi cơm cắm điện rồi vơ chiếc đèn pin chị tập tễnh đi tìm con. Ở cái xóm nhỏ này ai cũng thương cho mẹ con chị. Trước đây chị vốn là công nhân của Công ty lâm nghiệp Sơn Dương.
Thời tuổi trẻ, suốt ngày lăn lộn với mấy khoảnh rừng mệt bở cả hơi, tối về lăn ra ngủ. Mẹ chị nhiều lần nhắc con gái: Đừng vì mải trồng rừng mà quên đi thiên chức của người phụ nữ là trồng người con ạ... Nghe mẹ nói chị chỉ cười, vậy mà ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng mấy chốc mà chị đã chạm cái ngưỡng cuối thời gian của thời xuân sắc. Cùng ở đội trồng rừng khi đó có anh Tùng người Thái Bình cũng là người độc thân như chị, anh hiền lành, ít nói, thi thoảng về quê lên anh thường đem theo vài mớ cá khô, chai nước mắm cho cả đội.
Quả thực, cuộc sống nơi rừng rú khi đó khó khăn muôn vàn, đem được những món quà đó quà đó đến nơi đèo heo hút gió này quả là vô giá, vậy mà anh vẫn dành chia cho cả đội. Ở gần nhau vậy mà mãi đến mấy năm sau anh mới ngỏ lời yêu chị. Cưới nhau được gần một năm thì Công ty giải thể, anh chị được nghỉ chế độ theo diện hỗ trợ một lần. Đã quen với cuộc sống nơi rừng rú, nay cầm mấy triệu tiền trợ cấp chị về quê sống và làm ruộng với bố mẹ chồng còn anh hàng ngày đạp xe thồ rau xanh lên thị xã bán, những ngày đầu chị cảm thấy vô cùng khó khăn.
Mẹ chị thường động viên con: Mình hơn người khác là có bàn tay lành lặn con ạ, chịu thương chịu khó thì sẽ gây dựng lên cơ nghiệp. Nhưng thật họa vô đơn chí, được vài tháng thì anh ngã bệnh, đưa anh đi khám ở bệnh viện Tỉnh khi đọc tờ giấy xét nghiệm chị bỗng chết lặng: Anh bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối. Được hơn ba tháng sau thì anh mất để lại cho chị giọt máu trong cơ thể.
Ngày thằng Khanh chào đời đúng vào mùng một tết nguyên đán, người ta bảo trai mùng một gái ngày rằm, số nó sau này sẽ sướng hơn bố mẹ... vậy nhưng sướng đâu thì chưa thấy mà cực nhọc thì đã hiển hiện ngay trước nhãn tiền, sự mất mát quá lớn và đường đột khiến chị sinh nó thiếu hơn một tháng, đẻ xong lại bị mất sữa. Mấy ngày đầu thấy cháu khóc ngặt nghẹo mẹ chồng chị đun cháo lấy nước pha đường cho nó uống và bế đi xin bú trực. Thương hai mẹ con chị, mấy chị cùng xóm tranh thủ lúc đi làm đồng về tạt qua nhà cho nó bú. Có một bận lúc nó được gần sáu tháng tuổi thì một chị bạn đến cho nó bú trực và đem theo cả thằng con nhiều hơn nó mấy tháng tuổi.
Thằng con nhà chị kia thấy vậy liền nổi cơn ghen và xông vào cắn nó đến chảy máu cả tay, đang cơn khát sữa nó cố bú thêm vài hơi mới chịu nhả. Nhìn vậy chị ứa nước mắt. Khó khăn cực nhọc chồng chất tưởng chừng chị không thể vượt qua nổi, vậy nhưng được cái mẹ chồng chị coi chị như con đẻ. Có bao nhiêu tâm sức trí lực và tình thương chị dồn hết cho thằng Khanh và chị ở vậy lần hồi nuôi con. Khi thằng Khanh được 3 tuổi thì thằng em chú lấy vợ, bố mẹ chồng làm cho chị ngôi nhà phía cuối xóm cho hai mẹ con chị ra đó ở riêng. May mắn cho chị, mấy anh ở ngoài thị trấn thấy hoàn cảnh của chị nên đã xin cho chị vào làm việc ở Đội vệ sinh môi trường, tuy đồng lương không cao nhưng cũng đủ để chị trang trải cuộc sống hàng ngày cho hai mẹ con.
Thấm thoắt đã được gần chục năm, mới học lớp 3 nhưng thằng Khanh học giỏi ngoan ngoãn nên luôn được thầy cô và bạn bè quý mến, đó là điều động viên lớn nhất đối với chị, chỉ có điều do sinh thiếu tháng, ăn uống không đủ chất nên người nó cứ gậy đét, bù lại chẳng bao giờ thấy nó ốm đau gì cả. Hàng ngày ngoài việc học hành nó thường phụ giúp mẹ việc nhà. Kể cũng tội cho nó, mới mười tuổi đầu nhưng mỗi khi chị đau ốm trái nắng trở trời nó cần mẫn như người mẹ nuôi, biết đun nồi lá xông hoặc rót cốc nước lấy viên thuốc cho mẹ, buổi tối khi học bài xong nó chui lên giường rúc vào nách chị ngủ. Những lúc ấy chị cảm thấy ấm lòng và thương nó vô cùng.
Vậy mà không hiểu sao mấy hôm nay nó chợt đổi tính đổi nết, học hành thì đi sớm về muộn, quần áo thì lấm lem đất cát. Dạo này xem ti vi thấy báo đài liên tục đưa tin những vụ tai nạn giao thông, học sinh thì sa sút về đạo đức, rồi thì cả chuyện bắt cóc trẻ em qua biên giới khiến chị cảm thấy lo lắng đến quặn thắt bởi từ trước đến nay nó luôn là đứa con ngoan, vậy mà... Hỏi quanh mấy nhà hàng xóm rồi vòng sang nhà chú út cũng không thấy thằng Khanh đâu, quay về nhà vẫn thấy lạnh ngắt. Đầu óc mông lung, chị ngồi phịch xuống ghế.
Đúng lúc ấy thằng Khanh mặt mũi nhọ nhem dắt chiếc xe đạp vào cổng. Vừa mừng vừa giận, chị quát to: - Khanh! Con đi đâu, sao giờ mới về? Thằng Khanh cúi gằm mặt nói lí nhí câu gì đó trong cổ rồi lẳng lặng đi vào nhà, chị cầm tay nó giật lại. - Sao con không trả lời mẹ! Dạo này con hư lắm rồi. Mới ngần này tuổi mà mẹ không nói được con nữa rồi phải không? Nó vẫn cúi gằm mặt không trả lời khiến cơn giận bùng lên mặt, chị vung tay tát nó một cái. Lần đầu tiên trong đời chị đánh nó. Nước mắt lưng tròng, giận và thương lẫn lộn chị bế Khanh vào nhà tắm gồi đầu cho nó. Ăn tối xong, nó lẳng lặng ngồi vào bàn học bài. 10 giờ đêm nó xếp sách rồi trèo lên giường rúc vào nách chị như mọi ngày.
Thấy chị vẫn chưa ngủ, nó thỏ thẻ: - Mẹ ơi, con vẫn là đứa con ngoan, từ mai con hứa sẽ về nhà với mẹ... Nghe nó nói vậy chị càng thấy ruột gan cồn cào. Ôm con vào lòng, giận thương lẫn lộn chị bảo: - Thôi, ngủ đi mai còn đi học sớm con ạ. Sáng hôm sau, chị dậy sớm vo gạo nấu cơm rồi đi làm. Cuối buổi chiều hôm đó cơ quan chị tổ chức tọa đàm kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8 tháng 3. Ngồi trong phòng họp mà ruột nóng như có lửa đốt. Được một lát chị cầm mấy cái bánh ngọt lấy phần cho con rồi xin phép về trước. Về đến cửa chị thấy đèn đã sáng, bước vào cửa chị ngỡ ngàng thấy nhà cửa sạch sẽ, mâm cơm đã dọn sẵn trên chiếc bàn nhỏ còn thằng Khanh đang cắm cúi học bài.

Thấy mẹ về nó chạy ra ôm chầm lấy chị. Mừng mừng tủi tủi vì thấy nó lại trở về với chính thằng con của chị mấy hôm trước, chị ôm chặt lấy nó. Thằng Khanh kéo chị đi lại phía chiếc bạn học rồi khùa tay vào ngăn kéo lấy ra một cái hộp nhỏ đưa cho chị. - Mẹ! con có cái này tặng mẹ. Chị thấy ngạc nhiên liền hỏi nó. - Gì vậy con? - Con thấy mẹ đi làm phải tiếp xúc với rác bẩn cả ngày như vậy nguy hiểm lắm. Ngay mai mùng 8 tháng 3 rồi, con mua mấy đôi găng tay cao su này tặng mẹ để mẹ đi làm - Nó ngượng nghịu nói với chị. - Nhưng ... con lấy đâu ra tiền mà mua? Chị ngạc nhiên nhìn nó. - Mẹ à, mấy hôm nay học xong con đi làm than tổ ong cho bác Dũng, Bác ấy cho tiền đủ mua mấy đôi này để tặng mẹ. Từ mai con hứa sẽ không đi học về muộn nữa mẹ ạ... Chợt nghĩ đến cái tát hôm qua, chị bỗng nghẹn ngào. - Trời ơi! Con tôi... - Mẹ à, con vẫn là đứa con ngoan của mẹ, mẹ ạ… Tối hôm đó, mẹ con chị ăn bữa cơm có lẽ là ngon nhất trong cuộc đời của mẹ con chị.