Phương án trên nhằm giảm áp lực thi cử và tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan mỗi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ đến.
Từ năm 2014, các trường ĐH, CĐ có thể tự chủ tuyển sinh. (ảnh minh họa) |
Tại buổi phổ biến Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam tại Học viện Quản lý giáo dục diễn ra sáng 9/12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc giao cho các trường tự chủ trong tuyển sinh đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục Đại học. Vì vậy, các trường ĐH, CĐ có quyền chủ động trong tuyển sinh hoặc phối hợp với các trường khác để tổ chức thi cử, xét tuyển.
Trong năm 2014, nếu trường ĐH, CĐ nào đảm bảo có thể tự tuyển sinh khách quan, công bằng và không gây lãng phí, xảy ra tiêu cực thì Bộ GD-ĐT sẽ xem xét các phương án tuyển sinh của trường đó. Những trường ĐH, CĐ nào chưa thể chủ động trong tuyển sinh thì tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục để trong tương lai có thể thực hiện được phương án này.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, phương án để cho các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh nhằm giảm áp lực thi cử và tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan mỗi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ đến. Việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường cũng sẽ góp phần để cho các trường tự chịu trách nhiệm trong cạnh tranh để có chất lượng đào tạo tốt nhất. Điều đó cũng có nghĩa là trường ĐH, CĐ nào không đảm bảo chất lượng, không ngừng phấn đấu phục vụ lợi ích chính đáng của người học thì sẽ bị “loại” ngay trên mặt bằng giáo dục.
Đứng ở góc độ quản lý, Bộ GD-ĐT cũng sẽ phối hợp với các ban, ngành khác để có những biện pháp quản lý chặt chẽ công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.Nghị quyết 14 năm 2005 của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam có đề cập đến giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, mới chỉ có 20 trường ĐH, CĐ đăng ký tự chủ trong tuyển sinh.
Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc giao cho các trường tự chủ trong tuyển sinh đã được đề cập đến trong Nghị quyết 14 năm 2005 của Chính phủ, nhưng không phải tất cả các trường đều tham gia. Nguyên nhân là vì các trường còn phải cân nhắc tất cả các yếu tố để đảm bảo yếu tố đơn giản, gọn nhẹ trong tuyển sinh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo và đội ngũ giáo viên…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, để tự chủ trong tuyển sinh, ngoài việc không ngừng đổi mới chương trình giảng dạy, tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ phải nâng cao trách nhiệm đối với xã hội, với người học để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Học sinh phổ thông học đến đâu sẽ kiểm tra, đánh giá tới đó
Từng bước thực hiện Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT sao cho đơn giản, gọn nhẹ, ít tốn kém nhưng vẫn theo tiêu chí đánh giá được năng lực tổng hợp của học sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải kết nối được với giáo dục ĐH, CĐ.
Chương trình giáo dục phổ thông sắp tới sẽ có nhiều môn học, chuyên đề tự chọn trên tinh thần học sinh học đến đâu thì nhà trường sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá đến đó, chứ không phải đợi đến cuối kỳ mới thi.
Trong chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới bằng cách định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ những cấp học dưới. Theo đó, nhà trường sẽ phải tăng cường tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp phù hợp với trình độ, năng khiếu của học sinh thông qua những giờ học, sinh hoạt ngoại khóa… Thông qua những đợt tuyên truyền này, các em sẽ xác định được nghề nghiệp trong tương lai phù hợp với khả năng; phụ huynh sẽ giảm bớt áp lực đối với con em theo một nghề nghiệp nhất định./.
Theo VOV
0 nhận xét: