Nơi xây dựng mái trường THPT Kim Xuyên

Nơi xây dựng mái trường THPT Kim Xuyên
Người Pháp và địa chủ cường hào chia nhau cai quản đất đai, khai thác lâm thổ sản từ núi Lịch, phát triển đồn điền, khiến nhu cầu về lao động rất lớn. Người Pháp đưa lao động từ các tỉnh miền xuôi như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Ninh Bình, Thái Bình… về đây làm phu. Cuộc sống của phu đồn điền ngày đó không đủ cơm lót dạ, bị bóc lột thậm tệ. Thế là họ liên kết với người dân địa phương bí mật khai thác lâm thổ sản vận chuyển về xuôi lấy tiền dựng xây cơ nghiệp. Ông Nguyễn Phú Xuyên, một trong những người cao tuổi ở đây kể rằng, những người miền xuôi lên đây làm ăn kinh tế rất giỏi, nhiều chủ đồn điền cũng phải nể phục. Những hàng quán mọc lên phục vụ chủ đồn điền, người giàu có, dần dần hình thành những dãy phố nhỏ xung quanh chợ Đồn. Chợ Đồn có từ rất lâu, không ai còn nhớ chợ có từ khi nào. Cái tên chợ Đồn có lẽ cũng xuất phát từ nơi đây có nhiều đồn điền của người Pháp.



Các cụ kể rằng, xung quanh chợ, họ xây dựng khu vui chơi giải trí rất sang trọng. Những phiên chợ Đồn đông đúc lắm, người tứ phương của 3 tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc về họp chợ mua bán hàng hóa. Chợ nằm sát bên dòng sông Lô, thuyền bè chuyên chở hàng hóa về miền xuôi nhộn nhịp. Người nghèo ở các nơi đổ về đây tìm kế sinh nhai và gắn bó với chợ Đồn từ ngày đó. Họ đoàn kết, đùm bọc, yêu thương nhau trong làm ăn, chống lại sự kiểm soát gắt gao của người Pháp và những tên địa chủ cường hào ác bá. Những con người cùng chung phận nghèo khổ gặp nhau để rồi gắn bó thành vợ chồng, thành anh em. Nhà cửa được dựng lên trở thành khu dân cư đông đúc. Những gia đình này phần lớn sống bằng nghề buôn bán kinh doanh, là đầu mối làm ăn với miền xuôi nên trong tiềm thức của mọi người nơi đây đã là phố phường.
Chợ Đồn ngày càng đông đúc, nhộn nhịp. Thời bao cấp, giao thông đường bộ vẫn chưa phát triển như bây giờ, đường thủy với chiếc ca nô là phương tiện số 1 để vận chuyển hành khách, hàng hóa của người Vĩnh Phú (thời đó Phú Thọ và Vĩnh Phúc được sáp nhập thành một tỉnh) đến xứ Tuyên. Bến chợ Đồn là nơi trung chuyển hành khách của hai tỉnh. Hàng hóa của người phố Kim Xuyên, các vùng lân cận được mang về thành phố Việt Trì, lên thị xã Tuyên Quang; người miền xuôi, người thành phố, thị xã lại mang quần áo, giày dép, vật liệu xây dựng, hàng điện tử về chợ Đồn… Kim Xuyên ngày càng thịnh vượng. Thời bao cấp, nhiều gia đình còn phải lần từng bữa ăn, rau cháo qua ngày, ấy thế mà dân Kim Xuyên vẫn cứ sung túc, vẫn có nhiều nhà kiên cố mọc lên. Người dân quanh vùng nói đến dân Kim Xuyên là nể trọng lắm vì tài làm ăn buôn bán kinh doanh, học hành.

Thời kỳ đổi mới, hệ thống vận tải đường bộ phát triển mạnh, chiếc ca nô vận chuyển hành khách ngày ấy giờ chỉ còn là ký ức. Thay thế vào đó có bến xe khách Kim Xuyên. Nhiều chủ doanh nghiệp là người địa phương đầutư xe tô 16, 24 chỗ ngồi… khai thác các tuyến nội tỉnh, liên tỉnh từ Tuyên Quang đi Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, làm giàu cho gia đình và xã hội. Phố Kim Xuyên giờ sầm uất như thị trấn, thị tứ vậy