Nông dân An Khang cải thiện môi trường xây dựng nông thôn mới


Những năm trước đây, nhân dân xã An Khang, thành phố Tuyên Quang thường có thói quen trong chăn nuôi là thải trực tiếp nước thải, phân của gia súc, gia cầm ra môi trường xung quanh. Để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo tiêu chí môi trường, Hội nông dân xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con lắp đặt và sử dụng hầm bể biogas bằng vật liệu composite.
 An Khang là một trong 7 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, hiện nay, chính quyền và nhân dân xã đang tích cực đẩy nhanh tiến độ để trở thành xã nông thôn mới năm 2015. Nhưng cũng như nhiều xã khác trong tỉnh, vấn đề môi trường nông thôn vẫn là tiêu chí khó thực hiện bởi thói quen cũng như tập quán canh tác của bà con. Những chất thải chăn nuôi chưa được xử lý và thải ra môi trường gây ô nhiễm. Một trong những giải pháo để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường là vận động nhân dân thay đổi nề nếp, phương thức sinh hoạt cũ, thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường, xả rác đúng nơi quy định và lắp đặt hầm bể biogas góp phần đảm bảo vệ sinh chăn nuôi.
Cán bộ HND hướng dẫn kỹ thuật làm hầm bể biogas cho hội viên 
Ông Lương Văn Thuyết, Chủ tịch Hội nông dân(HND) xã cho biết: Thực hiện những chương trình về hỗ trợ kinh phí làm hầm biogas và nhà vệ sinh tự hoại cho các hộ gia đình tại khu tại khu tái định cư thủy điện Tuyên Quang; Quyết định số 30 về hỗ trợ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, HND xã đã tiến hành tuyên truyền tới bà con nông dân và hướng dẫn cách thức đăng ký để xây dựng. Hiện nay đã tiến hành vận động và lắp đặt ở hầu hết các thôn trong xã. Theo đó, mỗi hộ di dân tái định cư lắp đặt xong sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng bao gồm cả lắp đặt hầm bể biogas và nhà vệ sinh, bể phốt tự hoại bằng vật liệu composite. Mỗi hộ chăn nuôi trong xã cũng sẽ được hỗ trợ 1,2 triệu và được vay vốn tối đa 18 triệu đồng, trong thời gian 3 năm để xây dựng hầm biogas và phát triển chăn nuôi theo Quyết định số 30 của UBND tỉnh ngày 28/12/2012.
Hộ ông Hoàng Văn Páo, thôn Phúc Lộc A là hộ dân tái định cư từ vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang từ năm 2006. Xuống nơi ở mới, để cải thiện cuộc sống, gia đình ông đã tiến hành chăn nuôi lợn. Nuôi lợn đã nhiều năm nay nhưng chất thải chăn nuôi đều thải ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm. Được sự vận động của hội nông dân xã, ông đã quyết định xây làm hầm bể biogas bằng vật liệu composite. Là hộ dân tái định cư nên gia đình ông được hỗ trợ 5 triệu đồng theo Nghị quyết 1334 của UBND tỉnh về hỗ trợ kinh phí làm hầm biogas tại các khu tái định cư của tỉnh 12 triệu đồng từ dự án 30 về hỗ trợ chăn nuôi, đến nay, công việc lắp đắt hầm bể hầu như đã hoàn tất và chỉ chờ khí gas lên để sử dụng. Ông phấn khởi: được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để làm hầm biogas gia đình tôi vui lắm, mỗi lần vệ sinh chuồng trại, hay sinh hoạt hang ngày không còn mùi hôi thối khó chịu từ chuồng lợn nữa. Nếu không được Nhà nước hỗ trợ và cho vay vốn, gia đình tôi chưa chắc đã lắp được hệ thống biogas như thế này. Có được hầm bể này, gia đình tôi sẽ đầu tư chăn nuôi và cố gắng phát triển kinh tế để cải thiện cuộc sống gia đình.
Những hiệu quả của việc lắp đặt hầm biogas bằng vật liệu composite đã được nhân dân tin tưởng. Trong quá trình lắp đặt hầm biogas, các hộ nông dân sẽ được cán bộ kỹ thuật của công ty cũng như cán bộ hội nông dân hướng dẫn kỹ thuật tỉ mỉ để lắp đặt đúng cách và đúng quy trình. Gia đình ông Trần Văn Kệ thôn Phúc Lộc B đã xây dựng xong hầm bể biogas cách đây 3 tháng. Là hộ chăn nuôi khá nhiều nên trung bình trong chuồng của gia đình ông thường xuyên nuôi từ 15 con lợn thịt trở lên, có lứa nuôi nhiều là 30 con. Trước đây khi chưa lắp đặt hầm bể biogas, không chỉ riêng gia đình ông mà nhiều hộ xung quanh đều phải chịu mùi xú uế, nước thải trong chăn nuôi. Ông phấn khởi: “Được cán bộ Hội Nông dân xã, thôn tuyên truyền về chủ trương cho vay vốn hỗ trợ làm hầm bể biogas, gia đình tôi đã đăng ký vay vốn phát triển chăn nuôi lợn kết hợp xây hầm bể biogas bằng vật liệu nhựa composite. Hệ thống biogas cách nhà bếp chỉ vài mét đến giờ đã được đưa vào sử dụng. Toàn bộ hệ thống biogas gồm 1 bể chứa lắp đặt chìm dưới lòng đất, hệ thống ống dẫn, bếp ga hai ngăn và thước theo dõi áp suất ga. Tổng giá trị công trình là 13,7 triệu đồng. Từ khi có hầm bể biogas, nước thải từ chăn nuôi lợn của gia đình tôi đã được xử lý sạch sẽ, không còn mùi hôi thối khi chị vệ sinh chuồng trại. Ngoài ra, nước thải của chăn nuôi còn được tận dụng làm khí gas phục vụ trong sinh hoạt, giúp tiếp kiệm chi phí cho gia đình…”
Tính đến ngày 24/12/2013 toàn xã đã lắp đặt được 154 hầm bể biogas và 6 bể phốt, nhà vệ sinh tự hoại bằng vật liệu composite cho cả nhân dâ khu tái định cư và hộ gia đình chăn nuôi trong toàn xã. Việc làm này góp phần làm thay đổi tập quán trong sinh hoạt và chăn nuôi của nhân dân An Khang, góp phần vào việc cải thiện môi trường, xây dựng nông thôn mới của xã.
Tôn Thu